Thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho hay, ngày 31/5 Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã: CTG) đã có thông báo nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng số 91/GCN-UBCK ngày 29/5/2023 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Tổng cộng nhà băng này sẽ chào bán 9.000 tỷ đồng trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/ trái phiếu, chia làm hai đợt phát hành.
Ở đợt một, ngân hàng này dự kiến phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu CTG2230T2/01 với kỳ hạn 8 năm và 3.000 tỷ đồng trái phiếu CTG2232T2/01 kỳ hạn 10 năm trong vòng 90 ngày (kể từ ngày giấy đăng ký có hiệu lực).
Đợt hai, Vietinbank sẽ chào bán 1.500 tỷ đồng trái phiếu CTG2230T2/02 có kỳ hạn 8 năm và 2.500 tỷ đồng trái phiếu CTG2232T2/02 có kỳ hạn 10 năm trong vòng không quá 90 ngày. Theo đó, khoảng cách giữa 2 đợt không kéo dài quá 12 tháng.
Trong trường hợp đợt 1 chưa phát hành hết khối lượng chào bán như dự kiến thì phần bán chưa hết sẽ được chuyển qua đợt 2 tương ứng theo từng kỳ hạn trái phiếu.
Được biết, trái phiếu mà Vietinbank chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, cùng với đó thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng theo quy định pháp luật hiện hành.
Số tiền 9.000 tỷ đồng thu được từ phát hành trái phiếu nhà băng này sẽ dùng để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN. Bên cạnh đó, thực hiện cho vay nền kinh tế bao gồm các khoản cho vay được giải ngân trước và sau thời điểm phát hành trái phiếu với một số ngành nghề, lĩnh vực.
Trường hợp số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán không đủ để sử dụng cho toàn bộ mục đích như kế hoạch, VietinBank sẽ sử dụng và bố trí nguồn vốn thông qua các kênh huy động vốn khác (như tiền gửi dân cư, tổ chức; phát hành giấy tờ có giá khác).
Về tình hình kinh doanh trong quý 1/2023, Chủ tịch HĐQT Vietinbank Trần Minh Bình cho hay, chưa có tiền lệ nào như năm nay. Ở báo cáo đánh giá về năm 2023, từ 'không chắc chắn' được Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra 60 lần, ngoài ra so với đầu năm IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống thêm 1%.
Tính đến hết quý I/2023, so với cùng kỳ tổng tài sản tại Vietinbank tăng hơn 9% (đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng). Đáng chú ý, dư nợ tín dụng tại nhà băng này ghi nhận tăng trưởng 4,6%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt 2%.
Lãnh đạo Vietinbank cho biết, đây là sự nỗ lực rất lớn khi Vietinbank luôn hướng tới các khoản tín dụng tăng trưởng tốt. Ngân hàng có các nhóm khách hàng tập trung gồm SME, FDI, doanh nghiệp Nhà nước lớn.
Ông Trần Văn Tần - Thành viên HĐQT Vietinbank cũng cho biết, tính đến ngày cuối cùng của tháng 3 năm 2023, tại Vietinbank dư nợ tín dụng cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp tăng 4,6%. Trong đó, cho vay tăng 28.091 tỷ đồng (4,61%) và trái phiếu doanh nghiệp giảm 1,43%. Trong năm 2022, tỷ trọng phân khúc tín dụng đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ và theo hướng tập trung vào phân khúc bán lẻ.
Ông Trần Minh Bình nhấn mạnh, nhìn chung, kết quả quý 1 của Vietinbank so với kế hoạch đều đạt và vượt. Do số liệu chưa chính thức nên Vietinbank chưa công bố, hiệu quả tăng so với trước đây. Cuối quý I, nợ xấu cuối ở mức 1,28%.
Về kế hoạch kinh doanh năm nay, vừa qua tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Trần Văn Tần - Thành viên HĐQT Vietinbank cho hay, so với cuối năm 2022 Vietinbank dự kiến nâng tổng quy mô tài sản thêm 5-10%. Trong đó, dư nợ tín dụng được thực hiện theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Với nguồn vốn huy động, nhà băng này dự kiến tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số an toàn thanh khoản, đồng thời đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu/tổng dư nợ tín dụng dưới 1,8%.
Về kế hoạch lợi nhuận và kế hoạch cổ tức năm 2023, các tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng Vietinbank không trình cổ đông con số cụ thể mà chỉ cho hay sẽ thực hiện theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.