Minh Anh ·
46 tuần trước
 7860

Một dự án điện mặt trời trị giá 14 triệu USD bị khai tử

Sau quyết định đầu tư kéo điện lưới chồng lên dự án điện mặt trời tại 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch), mới đây UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục ra quyết định kéo điện lưới chồng lên dự án điện mặt trời ở vùng Lòm, xã Trọng Hóa (Minh Hóa).

Dự án điện mặt trời triển khai tại Quảng Bình được lắp đặt ở 9 xã của 4 huyện gồm: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa, để đáp ứng nhu cầu sử dụng của gần 1.300 hộ dân, 78 cơ quan, dịch vụ công tại các thôn, bản nghèo nơi biên giới chưa có điện lưới Quốc gia. Dự án được đưa vào sử dụng đồng loạt vào năm 2018. Thế nhưng chỉ sau ít năm đưa vào vận hành, hàng loạt trạm điện, tấm pin năng lượng mặt trời hư hỏng.

Dự án điện năng lượng mặt trời vừa đưa vào sử dụng đã hỏng hóc.

Mặc dù đưa vào hoạt động hơn 2 năm nay, dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho vùng sâu, vùng xa của Quảng Bình vẫn chưa thể quyết toán. Gần 14 triệu USD vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc đã “tiêu hết”.

Quá trình thực hiện, ban điều hành dự án đã để xảy ra nhiều sai phạm trong đấu thầu, bị báo chí phanh phui, buộc phải hủy bỏ kết quả đấu thầu, thay mới giám đốc điều hành... khiến dự án bị kéo dài so với tiến độ đề ra.

Từ năm 2014, khi dự án năng lượng mặt trời đang triển khai thì UBND tỉnh Quảng Bình quyết định đầu tư dự án kéo điện lưới trùm lên hầu hết địa bàn của dự án năng lượng mặt trời, với số vốn hơn 360 tỷ từ ngân sách T.Ư. Để xử lí đống thiết bị năng lượng mặt trời đã nhập về sau khi kéo điện lưới, UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý cất vào kho theo đề xuất của Sở Công Thương. Tại thời điểm đó, bị dư luận phản ứng, Quảng Bình đã dừng dự án kéo điện lưới.

Cuối năm 2022 UBND tỉnh Quảng Bình đã cho kéo điện lưới lên 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) với tổng vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng, từ ngân sách địa phương, do Sở Công Thương làm chủ đầu tư. Mới đây tỉnh Quảng Bình lại tiếp tục ra quyết định đầu tư dự án điện lưới kéo về vùng Lòm, xã Trọng Hóa (Minh Hóa), nơi cũng được hưởng lợi dự án điện mặt trời.

Vì sao tỉnh Quảng Bình lại kéo điện lưới chồng lên điện mặt trời?

Được biết, dự án năng lượng mặt trời vừa mới đưa vào sử dụng 2 năm nhưng đã hư hỏng, nhiều nơi không sử dụng được. Trước đây, khi thuyết minh dự án, người ta nói là điện thu về từ các tấm pin năng lượng mặt trời đủ dùng cho sinh hoạt và sản xuất, trong đó đã tính toán phát sinh hết vòng đời 20 năm của dự án. Tuy nhiên, hiện nay ở các địa bàn sử dụng năng lượng mặt trời, nhiều nơi điện thắp sáng không có. Để khoả lấp dự án “tai tiếng” này, phải chăng Quảng Bình phải kéo điện lưới.

Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Dự án năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình thừa nhận, hầu hết các địa bàn hưởng lợi từ dự án điện mặt trời đang khó khăn về điện thắp sáng vì thiết bị hỏng hóc sau khi nhà thầu bàn giao. Đến nay dự án vẫn chưa thể quyết toán nên không có nguồn để sửa chữa.

Ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, đồng thời là chủ đầu tư dự án điện lưới vào vùng Lòm cho biết: Dự án kéo điện lưới vào vùng Lòm được Ban Dân tộc đề xuất từ mấy năm trước, do dự án điện mặt trời hoàn thành nhưng không có điện để sử dụng. Mới đây UBND tỉnh chấp thuận với tổng vốn hơn 30 tỷ đồng, từ nguồn vốn trung ương. Hiện Ban đang làm các thủ tục để lựa chọn nhà thầu.

Ông Thanh cho biết, khi đề xuất dự án cũng có ý kiến, kéo điện lưới chồng lên dự án điện mặt trời sẽ lãng phí, nhưng trên thực tế dự án điện mặt trời không sử dụng được, mà nhu cầu dùng điện của người dân thì rất cấp thiết. Theo ông Thanh, dự án điện lưới độc lập, không liên quan đến dự án điện mặt trời nên không có phương án đấu nối, hay tận dụng hạ tầng của dự án điện mặt trời.

Theo Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Quảng Bình giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2035 với tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 599,5 MWp và nhu cầu sử dụng đất khoảng 717,8ha, trong đó giai đoạn đến năm 2020, tổ chức khai thác khoảng 179,5 MWp/214,8 ha; giai đoạn đến năm 2021 - 2025: khoảng 180MWp/215ha; giai đoạn đến năm 2036 khoảng 240 MWp/288 ha. Với tổng công suất lắp đặt dự kiến trên, tổng mức đầu tư là 14.911 tỷ đồng, ước tính phân kỳ đầu tư Quy hoạch phát triển điện mặt trời theo các giai đoạn như sau: Giai đoạn đến năm 2020 là 4.585tỷ đồng (tương đương 203 triệu USD); giai đoạn năm 2021 - 2025 là 4.565 tỷ đồng (tương đương 202 triệu USD); giai đoạn năm 2026 - 2035 là 5.761 tỷ đồng (tương đương 254 triệu USD).

Tạ Nhị