Minh Anh ·
47 tuần trước
 6661

Nhiều sai phạm của các chủ đầu từ điện gió, điện mặt trời

Thông tin từ Bộ Công thương trưa 26/5 cho biết, trong số 85 dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), chỉ có 18 dự án có giấy phép hoạt động điện lực.

Tính đến 26/5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155MW đã nộp hồ sơ đến EVN. Trong đó, 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9MW đã và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sở huy động. Hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).

Ảnh minh họa.

Có nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… nên còn chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN.

Cụ thể, theo kết quả thanh tra 26 nhà máy điện mặt trời (ĐMT), điện gió tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Bình Phước của Thanh tra Chính phủ cho thấy nhiều vi phạm trong đầu tư và công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư dự án, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Mua bán điện (EPTC, trực thuộc EVN).

Thanh tra Chính phủ xác định, việc EPTC công nhận ngày vận hành thương mại, đưa vào sử dụng 26 nhà máy nói trên khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cụ thể là Cục Điện lực và năng lượng tái tạo/Sở Công thương) kiểm tra nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư, đã vi phạm quy định tại Nghị định 46/2015, Luật Xây dựng và Thông tư 39/2015 của Bộ Công thương.

EPTC công nhận COD và mua điện của 26 nhà máy trong khi các dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư xây dựng, đất đai, nghiệm thu công trình; việc này là vi phạm quy định tại Quyết định 11/2017 của Thủ tướng.

Đáng chú ý, (EVN) đã ban hành Quy trình thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió (lần lượt tại các quyết định vào các năm 2019, 2020, 2021). Theo cơ quan thanh tra, nội dung quy trình không quy định điều kiện để đưa công trình vào sử dụng theo quy định về đầu tư xây dựng và nghiệm thu công trình (quy định tại Thông tư 39/2015 và Thông tư 16/2017 của Bộ Công thương).

Các vi phạm nêu trên dẫn đến việc công nhận COD và mua bán điện của 26 nhà máy ĐMT, điện gió theo giá cố định là chưa đủ cơ sở pháp luật nhưng đã và đang được áp dụng giá FIT trong 20 năm.

Quá trình thanh tra cũng cho thấy, nhiều dự án đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng để kịp thời gian được áp dụng cơ chế khuyến khích nên đã có khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện. Cơ quan thanh tra xác định, trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm trên thuộc về các chủ đầu tư dự án, EPTC và EVN.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư đã vi phạm trong đầu tư xây dựng nhà máy. Cụ thể: 19/26 dự án vi phạm điều kiện khởi công xây dựng công trình như: thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt, chưa được bàn giao mặt bằng thi công (7 dự án chưa có thiết kế bản vẽ thi công được duyệt, 4 dự án chưa có thiết kế bản vẽ thi công được duyệt và chưa được bàn giao mặt bằng, 01 dự án chưa có thiết kế bản vẽ thi công và giấy phép xây dựng, 7 dự án chưa được bàn giao mặt bằng).

Trách nhiệm chính đối với những vi phạm nêu trên thuộc Bộ Công thương, ngoài ra còn có trách nhiệm liên quan của UBND các tỉnh trong đề xuất đầu tư dự án, cơ quan thanh tra nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đầu tháng 3/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã có văn bản về việc thông báo tiếp nhận kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị một số nội dung: Bộ Công thương chủ trì, phối hợp EVN rà soát, xử lý theo quy định pháp luật đối với các dự án ĐMT, điện gió đã được công nhận COD và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp EVN, các công ty điện lực tỉnh rà soát các dự án/hệ thống ĐMTMN đã đầu tư xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với công suất lớn (xấp xỉ 1MW) dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, xem xét, xử lý việc áp dụng giá điện của hệ thống ĐMTMN.

Bộ Công thương chỉ đạo EVN làm việc với Công ty CP Thủy điện Trung Nam, lựa chọn đơn vị kiểm toán có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện kiểm toán tổng chi phí đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2. Trên cơ sở đó các bên có căn cứ, cơ sở xem xét, đàm phán lại giá mua bán điện, báo cáo Cục Điều tiết điện lực và Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét, quyết định theo quy định pháp luật. Xem xét, chỉ đạo EVN xác định lãi trên số tiền đã tạm thanh toán vượt khung quy định so với giá điện được Bộ Công thương phê duyệt đối với Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 và Sông Bung 4A.

Theo Thanh tra Chính phủ, quá trình Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh mắc phải một số tồn tại, khuyết điểm về đầu tư các dự án nguồn, lưới điện; điều chỉnh giá mua điện; xây dựng khung giá phát điện…

Tạ Nhị