Thành Vũ ·
1 năm trước
 98588

Một số nội dung chính của dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, lấy ý kiến các địa phương và dự kiến ban hành hướng dẫn này trong năm 2023.

Để triển khai hiệu quả quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Bộ TN&MT đang khẩn trương xây dựng và dự kiến ban hành trong năm 2023 dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Theo Bộ TN&MT, một trong những điểm mới cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là thay đổi cách tiếp cận về quản lý chất thải với quan điểm xuyên suốt là coi chất thải là tài nguyên; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hướng tới mục tiêu đem lại môi trường sống trong lành cho sự phát triển bền vững.

Cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhiều quy định mới, yêu cầu mới về quản lý chất thải đã được xây dựng. Theo đó, việc sử 2 dụng sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng phải theo nguyên tắc tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn nhằm giảm khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Cụ thể, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; Chất thải rắn sinh hoạt khác phải chi trả dịch vụ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Chất thải rắn công nghiệp thông thường được phân loại thành các nhóm: Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý; Chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất được quản lý như sản phẩm, hàng hóa.

Ảnh minh họa. (Ảnh:ITN)

Một số nội dung chính của dự thảo hướng dẫn kỹ thuật

Theo Bộ TN&MT, dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Canada, Mỹ và một số tỉnh, thành phố tại Việt Nam như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Bắc Ninh…

Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt được kết cấu gồm 4 phần chính: Mục đích, phạm vi, đối tượng sử dụng; Căn cứ để phân loại; Hướng dẫn chi tiết phân loại và tổ chức thực hiện.

Về chi tiết phân loại chất thải rắn sinh hoạt, dự thảo hướng dẫn đưa ra 3 nhóm chính gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Tại mỗi nhóm chất thải có liệt kê các loại chất thải thường thấy phát sinh tại hộ gia đình, hình ảnh minh họa và kỹ thuật khi phân loại.

Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt là tài liệu tham khảo để UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương. Các địa phương sẽ căn cứ vào thành phần chất thải rắn sinh hoạt, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh và trung ương; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hiện có; nguồn lực tài chính của địa phương và tính toán đến nhu cầu thị trường tái chế; cân đối lợi ích chi phí giữa việc tái sử dụng, tái chế chất thải với chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý để quyết định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Hiện nay, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt (thường gọi là rác thải), trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025 tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm 10 - 16%.

Trong điều kiện hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa đồng bộ; trình độ, năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị hóa, áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng lớn. Tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng người dân tập trung phản đối, ngăn không cho xe chở rác vào các bãi chôn lấp do ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Việc mở rộng các bãi chôn lấp gặp nhiều khó khăn do không nhận được sự ủng hộ của người dân.

Vì vậy, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là biện pháp xử lý tiết kiệm và hiệu quả. Khi các hộ gia đình bàn giao chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đơn vị thu gom sẽ tiết kiệm được thời gian phân loại và sử dụng tối ưu không gian lưu chứa của phương tiện thu gom. Việc thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt đã phân loại về khu xử lý chất thải cũng hạn chế rất nhiều tác động đến môi trường, giảm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, lấy ý kiến các địa phương và dự kiến ban hành năm 2023 trước thời điểm các địa phương bắt buộc phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (31 tháng 12 năm 2024).

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6834650063261358/