Trần Lan ·
2 năm trước
 3385

Năm 2021, phát thải CO2 toàn cầu tăng lên mức cao kỉ lục

Lượng khí thải CO2 toàn cầu đang tăng nhanh chóng, tăng trở lại mức trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, chủ yếu do các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.

phát thải CO2 toàn cầu

Khí thải tại nhà máy nhiệt điện ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đánh giá trên được đưa ra trong báo cáo thường niên của hiệp hội Dự án Carbon toàn cầu (GCP) đăng tải trên tạp chí Earth System Science Data. 

Báo cáo được công bố trong bối cảnh đang diễn ra Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh). 

Theo báo cáo, lượng khí thải CO2 trong năm nay sẽ chỉ thấp hơn mức kỷ lục ghi nhận vào năm 2019. Theo đó, tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm nay dự báo sẽ tăng 4,9%, lên 36,4 tỷ tấn. Năm 2020, lượng phát thải CO2 toàn cầu ghi nhận mức giảm kỷ lục 1,9 tỉ tấn do đại dịch bùng phát khiến các nước phải thực hiện các biện pháp phong tỏa và kinh tế đình trệ. Báo cáo chỉ ra rằng năm nay lượng khí thải từ hoạt động đốt các loại nhiên liệu hóa thạch như khí đốt, than đá gây ô nhiễm cao sẽ gia tăng. Đồng tác giả báo cáo trên, Giáo sư về biến đổi khí hậu Corrine Le Querre tại Đại học East Anglia (UEA) của Anh nhấn mạnh báo cáo này đưa ra những đánh giá kiểm chứng trên thực tế trong bối cảnh các quan chức cũng như các nhà khoa học và chuyên gia trên thế giới đang nhóm họp tại Glasgow để tìm cách giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. 

Báo cáo dự báo tình hình tại những khu vực phát thải lớn nhất thế giới, chiếm 60% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Trong đó, lượng khí thải của Trung Quốc năm nay được dự báo sẽ tăng 5,5% so với năm 2019, theo đó chiếm 31% tổng lượng khí thải toàn cầu sau khi nền kinh tế nước này phục hồi và thoát khỏi tình trạng kinh tế ảm đạm trước các quốc gia khác. Lượng khí thải của Ấn Độ cũng sẽ tăng, chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải toàn cầu năm nay. Trong khi đó, lượng khí thải tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm lần lượt 3,7% và 4,2%, theo đó lần lượt chiếm 14% và 7% tổng lượng khí thải toàn cầu. 

Báo cáo đánh giá ô nhiễm carbon liên quan dầu mỏ hiện vẫn ở dưới mức năm 2019, nhưng có thể tăng lên khi ngành vận tải và hàng không phục hồi sau đại dịch, theo đó có thể cao hơn mức 40 tỷ tấn ghi nhận vào năm 2019 - mức mà nhiều người dự đoán và hy vọng đã là mức đỉnh. Giáo sư Le Querre nhận định không loại trừ khả năng lượng khí thải CO2 sẽ tăng hơn nữa vào năm 2022 khi ngành vận tải tiếp tục phục hồi. 

Các số liệu nói trên phù hợp với dự báo gần đây của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay vào năm 2023. Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khí hậu quốc tế ở Oslo (Na Uy) và cũng là đồng tác giả báo cáo trên, Glen Peters, cho rằng lượng khí thải CO2 sẽ tăng lên mức đỉnh vào năm 2023 hoặc năm 2024. 

Theo báo cáo, yếu tố quan trọng có thể giúp thế giới nhanh chóng giảm lượng khí thải CO2 là giảm sử dụng than đá. Giáo sư Le Querre nhấn mạnh trong hàng nghìn tỷ USD được đầu tư để phục hồi sau đại dịch, con số dành cho hoạt động phát triển "xanh" rất ít.

Nguồn