Bích Ngọc ·
24 tuần trước
 9103

HoREA: Đề xuất thêm gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất lại gói 110.000 tỷ đồng, trong đó lãi suất 4,8-5% một năm để phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh, đơn vị này vừa có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất lại gói 110.000 tỷ đồng có lãi suất 4,8-5% một năm phát triển nhà ở xã hội. Ông Châu cho hay, lãi suất của gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hiện tại là chưa thực sự ưu đãi.

Theo đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, lấy nguồn từ các ngân hàng thương mại, đang triển khai cho vay chủ đầu tư nhà ở xã hội và người dân với lãi suất ưu đãi khoảng 7,7% một năm đối với người mua, thuê mua nhà và 8,2% một năm với chủ đầu tư nhà ở xã hội.

Chủ tịch HoREA cũng cho biết, mặc dù lãi suất của gói này thấp hơn 1,5-2% vay thương mại thông thường cũng đã hỗ trợ một phần cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư thế nhưng thực chất vẫn chưa phải là tín dụng ưu đãi. Theo ông, nguyên nhân là do vẫn hơn mức vay nhà ở xã hội trước đó, thời hạn ưu đãi ngắn (5 năm) và lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần, điều này gây bất an cho người vay.

Chính vì thế, để đạt mục tiêu xây tối thiểu một triệu căn nhà xã hội giai đoạn 2021-2030, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Thực tế, vào hồi tháng 2, gói 110.000 tỷ này đã từng được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội. Trong đó, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5% một năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm (tương tự gói 30.000 tỷ trước đây). Đồng thời, gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi. Còn lại là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo ý tưởng ban đầu, gói này sẽ lấy từ nguồn tái cấp vốn, cấp cho các ngân hàng thương mại cho vay, tuy nhiên sau đó, Bộ Xây dựng cho biết thôi không đề xuất phương án này.

Còn nhiều vướng mắc

Về các chính sách hỗ trợ tín dụng cho người mua cũng như chủ đầu tư nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, vẫn còn tồn tại hàng loạt vướng mắc khiến trong nhiều năm qua chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua, thuê mua nhà ở xã hội chưa được hưởng các chính sách vay ưu đãi theo chủ trương phát triển nhà ở xã hội vốn áp dụng từ năm 2015.

Đối với khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, HoREA cho biết hầu hết phải vay thương mại với lãi suất khoảng 9-10% một năm.

Còn đối với doanh nghiệp, theo khẳng định của hiệp hội này, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa được vay ưu đãi tín dụng do Luật Nhà ở 2014 quy định, ngân hàng thương mại được cho vay ưu đãi với cá nhân, hộ gia đình xây, sửa nhà chứ không được phép cho vay chủ đầu tư; cá nhân mua, thuê mua nhà ở xã hội cũng không được vay ưu đãi. Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội cũng không được cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi, theo quy định của Nghị định 100 năm 2015. Do đó, theo HoREA giai đoạn 2015-2020, tất cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã phải vay với lãi suất thương mại từ 9-14% một năm.

Thêm vào đó, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê chưa được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng dài hơi, chưa được ưu đãi thuế VAT, thuế Thu nhập doanh nghiệp. Ông Châu dẫn Luật Nhà ở 2014 cho biết, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê được giảm VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với trường hợp xây nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.

Nghị định 100 năm 2015 cũng quy định đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được giảm 70% thuế suất VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi đầu tư tối thiểu 15 năm và tối đa không quá 20 năm. Tuy vậy, trên thực tế, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê chưa được hưởng các chính sách này.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7092171514175877/?