Bích Ngọc ·
50 tuần trước
 5749

Ngân hàng 'dè dặt' giải ngân cho doanh nghiệp khi nợ xấu tăng cao?

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động của nhiều nhà băng cũng không mấy tươi sáng, trong đó đang lưu ý là nợ xấu tăng cao.

Lợi nhuận bị bào mòn

Theo báo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính tới cuối tháng 2/2023, nợ xấu toàn hệ thống đã xấp xỉ 3%, so với cuối năm 2021 thì cao gấp đôi. Đến thời điểm hiện nay nợ xấu gộp toàn hệ thống đã lên mức 5%. Trong đó, theo thống kê của 27 ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết trên sàn chứng khoán, tính đến ngày 31/3, tổng nợ xấu nội bảng ở mức hơn 170.500 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 24,3%.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Không ít NHTM hiện có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% (cao hơn so với quy định). Theo đó, NCB có tỷ lệ nợ xấu lên đến 23%, VPBank (6,24%), BaovietBank (4,69%), VIB (3,64%)... Theo các chuyên,  khi thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn chưa thể phục hồi, rủi ro nợ xấu NH sẽ còn tăng lên do đây là 2 lĩnh vực chiếm tỷ lệ nợ xấu cao.

Trên thực tế, tuy nhiều NHTM báo mức lợi nhuận khá trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn vào báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, so với cùng kỳ lợi nhuận quý giảm 4,4%, nguyên nhân là do đa phần phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

Có thể thấy, lợi nhuận ngân hàng đã bị bào mòn bởi nợ xấu cao. Theo đó, do nợ xấu tăng nên VPBank phải tăng trích lập dự phòng rủi ro 55% khiến trong quý I lợi nhuận giảm tới 77%. Tương tự, do tăng trích lập dự phòng lên gấp đôi so với cùng kỳ, Techcombank có lợi nhuận quý I giảm 17%.

Trong khi đó, VietinBank tăng trưởng lợi nhuận ở mức 3% do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tới 52%. Riêng BIDV, trích lập dự phòng rủi ro tại ngân hàng giảm 25,2% nên lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng tới 58%.

Cá biệt, mặc dù nợ xấu tăng vọt nhưng một số NH cũng giảm dự phòng để “làm đẹp” lợi nhuận. Chẳng hạn như tính đến quý I tổng nợ xấu tại Eximbank tăng 30% so với đầu năm nhưng do dự phòng rủi ro giảm 42% (khoảng 66 tỷ đồng) so với cùng kỳ nên Eximbank có lợi nhuận trước thuế tăng 8% so cùng kỳ.

Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận trung bình của 29 NHTM ở mức 34%. Đến năm 2023, dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chỉ còn 13%-15%. Dù Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành đã rất chủ động, quyết liệt ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên dự báo nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng có thể còn tăng trong năm nay.

E dè cơ cấu nợ?

Trước áp lực nợ xấu hệ thống tăng cao, cuối tháng 4 NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023 (Thông tư 02) quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Theo đó, đối với các khoản nợ và khoản trả lãi đến hạn của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, NHTM được tiếp tục giãn, hoãn thời hạn trả nợ và không phải chuyển nhóm nợ trong tối đa 12 tháng.

Thông tư này đã được các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng trong bối cảnh đầu ra bị thu hẹp, doanh thu và đơn hàng sụt giảm. Tuy vậy, theo nhiều NHTM cho hay, chỉ cân nhắc cơ cấu lại nợ với doanh nghiệp có khả năng phục hồi vì khi cơ cấu nợ, bản thân nhà băng phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Bên cạnh đó, nếu điều kiện tín dụng được nới lỏng thì khó khăn của doanh nghiệp sẽ chuyển về phía ngân hàng. Đại diện OCB cho biết, cơ chế cơ cấu nợ lần này so với đợt cơ cấu nợ cho khách hàng khó khăn do dịch Covid-19 không giống nhau, vì Thông tư 02 yêu cầu NHTM phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ cơ cấu, trong khi nguồn lực tài chính của mỗi nhà băng khác nhau. Vì vậy, ngân hàng sẽ thận trọng và sàng lọc kỹ khách hàng để cơ cấu, cùng với đó áp dụng các biện pháp thu hồi nợ để hạn chế nợ xấu.

Theo chuyên gia kinh tế - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, việc cho phép giãn nợ từ Thông tư 02 của NHNN sẽ dẫn đến khả năng các khoản nợ trở thành nợ xấu bởi sau khi thông tư hết hiệu lực, nợ xấu sẽ có nguy cơ tăng rất lớn. Dù vậy, việc NHNN yêu cầu trích quỹ dự phòng và một số yêu cầu khác cũng đòi hỏi các nhà băng phải chuẩn bị phương án đáp ứng.

Xử lý nghiêm việc chậm cơ cấu nợ cho khách hàng

Được biết, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 02 chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023. Cụ thể, các NHTM khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định. Ngoài ra, nghiêm cấm những hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Thông tư số 02.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, lũy kế từ ngày 15/8/2017 (Nghị quyết 42/2017 về xử lý nợ xấu có hiệu lực) đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 ngàn tỷ đồng nợ xấu, xác định theo Nghị quyết 42/2017. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 211.900 tỷ đồng (chiếm 50,9% tổng nợ xấu). Bên cạnh đó, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122.100 tỷ đồng (chiếm 29,3% tổng nợ xấu).

Tạ Ngọc