Kinh tế xanh được UNEP định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Một nền Kinh tế xanh được đặc trưng bởi sự tăng trưởng bền vững của các hợp phần kinh tế có khả năng duy trì và gia tăng nguồn vốn tự nhiên của Trái Đất. Các hợp phần này bao gồm năng lượng tái tạo, vận tải ít phát thải carbon, công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, dịch vụ cấp nước sạch nâng cao, tiết kiệm năng lượng, nông-lâm-ngư nghiệp bền vững. Nguồn lực đầu tư cho Kinh tế xanh được thu hút, hỗ trợ bởi chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia cũng như sự phát triển các chính sách và hạ tầng thị trường quốc tế.
Hiểu một cách đơn giản, Kinh tế xanh là nền kinh tế ít phát thải carbon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. Kinh tế xanh không thay thế phát triển bền vững mà là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Hàn Quốc... đã đầu tư hàng trăm tỷ USD cho chính sách Kinh tế xanh, coi đó là sự đầu tư tốt nhất đối với phát triển bền vững của quốc gia, vừa thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và tạo việc làm. Đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, Kinh tế xanh tuy còn khá mới mẻ song bước đầu đã có sự chuyển hướng đầu tư vào các công nghệ sản xuất sạch hơn, một trong các tiêu chí của nền Kinh tế xanh.
Ngày Môi trường Thế giới 2012 hướng đến nền kinh tế xanh. (Ảnh minh họa)
Năm 2012 là một năm đặc biệt kề từ sau Hội nghị thượng đỉnh về Trái Đất (gọi tắt là Hội nghị Rio) năm 1992, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ một lần nữa gặp nhau tại Rio de Janeiro đề thảo luận về tương lại của sự phát triển bền vững. Hội nghị Rio+20 bao gồm hai nội dung chính: Một nền Kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo và khuôn khổ thể chế cho phát triển bền vững.
Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2012 cũng là một hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế về Năng lượng bền vững cho tất cả chúng ta do Liên hợp quốc lựa chọn.
Ngày Môi trường Thế giới năm 2012 hướng tới chủ đề chung là Kinh tế xanh, tuy nhiên cũng không hạn chế các bạn tự tổ chức các hoạt động hưởng ứng cũng như kỷ niệm các thành tựu về môi trường. Sau tất cả, mọi hành động tích cực vì môi trường sẽ có tác động và một phần sẽ sáng tạo ra một số cách để liên kết hoạt động của bạn với tất cả mọi người, và từ đố sẽ có rất nhiều cách.
Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2012 là một câu hỏi đặt ra cho tất cả mọi người về đánh giá nền Kinh tế xanh phù hợp trong cuộc sống hàng ngày của họ và đánh giá việc phát triểnthông qua một nền Kinh tế xanh phục vụ cho nhu cầu cá nhân.
Chương trình năm 2012 do Brazil đăng cai. Brazil cũng là chủ nhà của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững (Rio +20). Xây dựng Kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo là một trong những chủ đề trọng tâm của Rio +20.
Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức các hoạt động quốc gia tại Quảng Ninh như: Lễ mít tinh quốc gia và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2012; hội thảo – diễn đàn Kinh tế xanh; đối thoại, giao lưu văn nghệ về bảo vệ môi trường; phát động phong trào và triển khai các dự án cải thiện môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức các chiến dịch truyền thông về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chủ đề Kinh tế xanh phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương mình; khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên, nhiên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường…
Bên cạnh đó, tổ chức Lễ mít tinh và các hoạt động như: Các cuộc thi, triển lãm, giao lưu văn nghệ, hội thảo khoa học về chủ đề Kinh tế xanh; ra quân làm vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc, những khu vực công cộng…