Minh Anh ·
1 năm trước
 9161

Người dân nói gì về việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ciputra

Điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Ciputra đang vấp phải nhiều ý kiến của người dân nơi đây vì họ lo ngại việc điều chỉnh theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng tầng cao sẽ gây quá tải hạ tầng đô thị...

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu đô thị Nam Thăng Long hay (Khu đô thị Ciputra) giai đoạn III, tỷ lệ 1/500 tại loạt ô đất quy hoạch ký hiệu CT05, CT06, NT01, TH02 thuộc địa bàn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ). Với tổng diện tích các ô đất đề xuất điều chỉnh quy hoạch khoảng 84.301m2.

Theo đó, ô đất ký hiệu CT05 thuộc Khu đô thị Ciputra có diện tích 31.442m2, được điều chỉnh chức năng từ đất ở cao tầng (chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại) thành đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại văn phòng kết hợp nhà ở cao tầng, đỗ xe) ký hiệu CT05-HH.

Ngoài ra, ô đất này còn điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các ô đất thành mật độ xây dựng 35%, tầng cao 40 tầng.

Với ô đất ký hiệu CT06, diện tích 28.187m2, UBND TP Hà Nội cũng điều chỉnh chức năng từ đất ở cao tầng (chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại) sang đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại văn phòng kết hợp nhà ở cao tầng) ký hiệu CT06-HH. Ô đất này cũng dược điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các ô đất thành mật độ xây dựng 35%, tầng cao 40 tầng.

Ảnh minh họa. (Ảnh:ITN)

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch nhiều ô đất thuộc Khu đô thị Ciputra. Đặc biệt là những ô đất có chức năng là nhà ở cao tầng.

Tháng 3/2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh các ô đất ký hiệu I.B.26-NO, I.C.36-NO, tổng diện tích khoảng 40.000 m2 có chức năng là đất nhà ở cao tầng thành các ô đất nhà ở thấp tầng ký hiệu TT-01 – TT-19; ô đất ký hiệu I.B.29-NO, diện tích hơn 35.400 m2 có chức năng là đất nhà ở cao tầng điều chỉnh chức năng thành nhà ở thấp tầng ký hiệu TT-20 – TT-37 có tổng diện tích khoảng 27.850 m2 và đường nội bộ có diện tích hơn 7.570 m2...

Điều chỉnh quy hoạch gây áp lực lớn lên hạ tầng kỹ thuật đô thị

Theo cư dân khu đô thị Ciputra, việc điều chỉnh quy hoạch gây áp lực lớn lên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội và môi trường. Theo phương án điều chỉnh quy hoạch mới thì số dân có thể tăng gấp đôi quy hoạch cũ, trong khi hạ tầng kỹ thuật không thay đổi. Đó là điều cấm kỵ đối với việc phát triển đô thị đang quá tải hiện nay.

Cụ thể, theo ý kiến của người dân, nội dung điều chỉnh chủ yếu tăng mật độ dân số, tăng diện tích sàn xây dựng, thay đổi các chức năng cây xanh và hàng loạt các tiện ích khác gây ảnh hưởng đến đời sống cư dân.

Lý giải giải về vấn đề này, người dân cho rằng khi mua nhà ở KĐT Ciputra, chủ đầu tư (CĐT) cung cấp cho người mua đầy đủ hồ sơ bản vẽ đính kèm quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kiến trúc cảnh quan, quy hoạch giao thông... Trong đó quy định rõ vị trí từng tòa nhà, từng căn hộ, từng khu vực nhà cao tầng, thấp tầng và không gian cây xanh, cảnh quan, dịch vụ công cộng, đường giao thông cũng như các tiện ích khác... Các chỉ số quy hoạch đều rõ ràng về tỷ lệ cây xanh, mặt nước, giao thông, dân số.

Trong nhiều năm qua, cộng đồng dân cư KĐT Ciputra được thừa hưởng một không gian sống khá lý tưởng giữa Thủ đô. Cùng với sự “nhảy vọt” của thị trường bất động sản, đây là KĐT có giá bán cao nhất nhì thành phố.

Tuy nhiên, sau khi chuyển nhượng gần hết các căn hộ, khu biệt thự, nhà liền kề thì CĐT lại báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội xin điều chỉnh quy hoạch theo góc độ giảm tiện ích, giảm không gian cây xanh, mặt nước, giao thông và tất nhiên sẽ tăng mật độ dân số.

Theo ý kiến người dân, CĐT lý giải chỉ tăng về mật độ xây dựng, diện tích xây dựng nhưng không tăng về dân số là chủ quan, không đúng với thực tế diện tích xây dựng càng cao thì số căn hộ càng nhiều và số lượng dân cư chắc chắn không thể giữ nguyên. Vì vậy, việc tăng chung cư từ 15 lên 35 tầng (cao hơn 20 tầng) thì tương lại KĐT Ciputra sẽ gặp áp lực về dân số, giao thông, an ninh trật tự, thêm ô nhiễm môi trường, chất lượng cuộc sống không thể “lý tưởng” như giá chuyển nhượng.

Có thể thấy, trong 10 năm trở lại đây, thành phố Hà Nội đã điều chỉnh rất nhiều khu vực xung quanh KĐT Ciputra, nhiều nhà cao tầng mọc lên gây lên sự “nhức nhối” về giao thông, gây ra hiện tượng kẹt xe liên tục trên đường Nguyễn Hoàng Tôn và nút giao với ngã tư Võ Chí Công. Nay KĐT Ciputra lại tiếp tục điều chỉnh quy hoạch với việc tăng mật độ dân số sẽ tiếp tục gây áp lực với giao thông khu vực này.

Trước đó, dự án này vướng lùm xùm trong việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch giai đoạn II của chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc này vấp phải sự phản đối của cộng đồng cư dân đang sinh sống và Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành cần làm rõ việc điều chỉnh quy hoạch này.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6924790790913951/