Bích Ngọc ·
16 tuần trước
 10204

Nguyên nhân nào khiến cổ phiếu doanh nghiệp vận tải biển tăng vọt?

Nguyên nhân chính giúp cổ phiếu nhóm vận tải biển tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần là do cước tàu biển leo thang gần đây.

Sau đợt tăng giá đầu năm vì khủng hoảng biển Đỏ, doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với tình trạng cước tàu biển đang tăng gấp đôi, thậm chí là gần gấp 3 tại một số tuyến. Theo đó, từ đầu tháng 6 đến nay giá cước vận tải container đã tăng 12% lên 4.716 USD/container (loại 40 feet).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trước thông tin trên, trong phiên 10/6 cổ phiếu các doanh nghiệp vận tải biển là CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH), CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco – Mã: VOS), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN), CTCP Vận tải Biển Vinaship (Mã: VNA) tăng kịch trần và trắng bên bán. Cụ thể, cổ phiếu MVN tăng 14,57%, HAH tăng 6,89%, VOS tăng 6,96%, VNA tăng 14,59%.

Theo một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics, nguyên nhân dẫn đến việc cước tàu biển tăng là do chiến tranh đang làm ảnh hưởng giá cước tàu biển trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Mỹ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc từ tháng 8 nên các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc và các nhà nhập khẩu Mỹ đang chạy “deadline” để né thuế. Các doanh nghiệp này sẵn sàng trả cước vận tải cao hơn để giữ chỗ, chiếm container trước. Lượng hàng hóa của các nhà xuất khẩu Trung Quốc hiện đang dồn tại cảng Singapore khá lớn, ước khoảng 26% sức chở container toàn cầu đang bị kẹt tại khu vực này. 

Tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng ở cảng Singapore - cảng container lớn thứ hai trên thế giới - đã khiến nhiều tàu container phải chờ đợi ngoài khơi đến 7 ngày mới được cập bến thay vì chỉ cần đợi khoảng nửa ngày để neo đậu ở cảng.

Trước tình trạng trên, một số nhà xuất khẩu Việt Nam đang thảo luận để tìm cách giảm bớt chi phí cước tàu. Đồng thời, doanh nghiệp đang lên kế hoạch tạm ngưng xuất khẩu hoặc xin giãn thời gian giao hàng.

Trong báo cáo triển vọng ngành cảng biển, vận tải biển, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) dự báo trong nửa cuối năm nay giá cước vận tải duy trì ở ngưỡng cao. Nguyên nhân là do xung đột khu vực biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi trong thời gian gần đây lực lượng Houthi liên tục tuyên bố mở rộng phạm vi tấn công ra khu vực biển Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Điều này tiếp tục gây thêm áp lực cho ngành vận tải biển.

Đơn vị phân tích cho hay, nhu cầu hàng hóa phục hồi, giá cước thường có xu hướng tăng trong mùa cao điểm quý III, quý IV. Thêm vào đó, thị trường đang có dấu hiệu thiếu container tại các cảng xuất lớn, điều này sẽ gây áp lực mạnh lên giá cước khi bước vào mùa cao điểm.

TPS cũng cho rằng, trong giai đoạn tới sẽ có vài yếu tố giúp hạ nhiệt giá cước  nhờ kỳ vọng mực nước hồ Gatun sẽ cải thiện khi Panama đang bước vào mùa mưa (tháng 5 – tháng 11), đồng thời hiện tượng La Nina cũng sẽ quay trở lại, điều này giúp các tàu hàng tránh đi qua khu vực xung đột, rút ngắn thời gian từ Châu Á – EU, tạo điều kiện cho giá cước hạ nhiệt.

Tuy nhiên, TPS cũng cho biết thêm, về khả năng nhiều tàu hàng cùng chuyển hướng đến kênh đào Panama có thể khiến tình trạng tắc nghẽn và tác động ngược lại dẫn đến giá cước tăng.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với số lượng lớn tàu được giao trong 2024 lớn, giá cước vận tải container và giá cho thuê tàu cũng như nhu cầu thuê sẽ khó tiếp tục duy trì ở mức cao khi các yếu tố về thay đổi tuyến đường trên kênh đào Suez kết thúc.

Vì theo Alphaliner, sổ đặt hàng tàu mới chưa giao đến tháng 3 của Top 100 hãng là gần 650 tàu mới chưa giao. Trong đó Top 10 hãng tàu có 463 tàu đặt mới. Sổ giao tàu 2024 ước tính chiếm 11% công suất đội tàu hiện tại vẫn là yếu tố gây áp lực lên giá cước nếu loại trừ yếu tố căng thẳng biển Đỏ gần đây.

Bên cạnh đó, đối với những tàu cho thuê, chiếm khoảng 50% đội tàu toàn cầu - không ít tàu sẽ được trả lại cho chủ tàu khi thời hạn thuê kết thúc. Với việc nhận tàu mới, các hãng sẽ loại bỏ hoặc cho thuê tàu có trọng tải cũ hơn.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7928914440501576