Bích Ngọc ·
49 tuần trước
 9503

Nhà băng tích cực mua lại trái phiếu trước hạn

Theo báo cáo mới nhất của FiinRatings về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), thị trường TPDN tháng 4 đã quay trở lại trạng thái trầm lắng sau tháng 3 sôi động khi chỉ ghi nhận duy nhất một lô trái phiếu riêng lẻ trị giá 671 tỷ đồng.

Điều này dẫn đến quy mô phát hành của tháng 4 so với tháng 3 chỉ tương đương 2,5% và chỉ bằng 2,25% của cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, trong tháng 4 quy mô trái phiếu mua lại trước ngày đáo hạn cũng theo chiều hướng sụt giảm khi đạt gần 11.300 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 41,6% và  so với cùng kỳ năm 2022 giảm 10%. Hoạt động mua lại đến từ nhóm ngân hàng là chủ yếu, chiếm 61% giá trị trái phiếu mua lại.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Đáng chú ý, so với tháng trước giá trị trái phiếu ngân hàng được mua lại tăng 5,64 lần và tăng 2,42 lần so với cùng kỳ năm 2022 (đến từ các ngân hàng lớn như BIDV, VPBank, Sacombank, VIB). Hầu hết các lô TPDN (8/12) được các nhà băng mua lại có kỳ hạn ba năm và có thời gian đáo hạn còn lại là một hoặc hai năm.

Báo cáo đầu tháng 4 của Chứng khoán VNDirect cho biết, trong năm nay, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 232.600 tỷ đồng.

Sẽ có khoảng hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong đó quý 2/2023, so với quý 1 tăng 127%. Nhóm chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất là bất động sản, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý này. Nhóm tài chính ngân hàng đứng thứ 2 với tỷ lệ chiếm hơn 37% tổng giá trị đáo hạn.

Sang quý 2, sẽ có khoảng hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Tới quý 3, theo ước tính của VNDirect, sẽ có 77.738 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và quý 4/2023 là 52.321 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro trong kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro

Theo kiểm toán Nhà nước, năm 2022 đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Kết quả cho thấy, Ngân hàng Nhà nước năm 2021 đã thực hiện nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 1,84%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Các nhà băng được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.

Tuy vậy, báo cáo kiểm toán chỉ rõ, với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 13,61%, tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng chung. Lĩnh vực bất động sản là 15,37%, chứng khoán là 23,85%, trái phiếu doanh nghiệp là 17,65%.

So với GDP, tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế ở mức cao (năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%). Theo Ngân hàng Thế giới đánh giá, tỷ lệ này của nước ta thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, cơ quan kiểm toán lưu ý.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng; một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Bản Việt (được giao 13,48%, thực hiện 15,67%).

Bên cạnh đó là một số nhà băng phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác, còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay.

Ngân hàng Chính sách còn có nhiều trường hợp cho vay vượt hạn mức, cho vay đối tượng không phù hợp với tiêu chí của chương trình... dẫn tới xác định số tiền cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý từ ngân sách nhà nước tăng thêm 0,97 tỷ đồng. Có nhiều khách hàng (478 khách hàng) còn dư nợ chương trình cho vay nhà ở xã hội nhưng chưa gửi đủ tiền tiết kiệm hàng tháng tại hệ thống ngân hàng chính sách theo quy định.

Tạ Ngọc