Bích Ngọc ·
22 tuần trước
 8679

Nhiều doanh nghiệp bị hủy niêm yết: Lời khuyên nào cho nhà đầu tư?

Vừa qua, việc những mã cổ phiếu của doanh nghiệp lớn bị hủy niêm yết khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Theo các chuyên gia nhà đầu tư cá nhân nên trang thị thêm kiến thức, hiểu biết về thị trường và nền tảng doanh nghiệp để hạn chế rủi ro.

Chỉ trong tháng 11, hàng loạt mã cổ phiếu đã bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE và HNX.

Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay có khoảng 23 doanh nghiệp bị hủy tư cách đại chúng vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là không đáp ứng được điều kiện của công ty đại chúng theo quy định, còn số khác là do bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh và sáp nhập doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo quy định, cổ phiếu của một công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất – kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét, theo quy định tại Điều 120 thuộc Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của một công ty cũng sẽ bị huỷ niêm yết nếu công ty phát sinh một trong các vi phạm: chậm nộp báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp; công ty bị tổ chức kiểm toán từ chối hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính năm gần nhất; công ty niêm yết vi phạm nghiêm trọng việc công bố thông tin quan trọng, chẳng hạn như thông tin liên quan đến hoạt động, kinh doanh, phát hành chứng khoán của đơn vị; công ty niêm yết làm hồ sơ giả, thông tin sai lệch nghiêm trọng.

Nhà đầu tư cá nhân nên làm thế nào để tránh rủi ro?

Các chuyên gia cho biết, việc có nhiều doanh nghiệp niêm yết phải rời sàn chứng khoán vì vi phạm các quy định cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật. Thị trường chứng khoán luôn diễn ra quá trình sàng lọc các doanh nghiệp theo thời gian, những doanh nghiệp có hoạt động tốt, tuân thủ pháp luật về chứng khoán thì mới đủ các điều kiện để niêm yết lâu dài. Từ đó, góp phần giảm rủi ro cho các nhà đầu tư mới và họ tránh mua phải những cổ phiếu của công ty “kém chất lượng” trong giai đoạn hiểu biết về thị trường còn hạn chế, vẫn chưa tích lũy đủ kinh nghiệm và kiến thức để đánh giá được chất lượng doanh nghiệp khi đầu tư hoặc đầu cơ chứng khoán.

Trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết trên các sàn chứng khoán không còn là chuyện mới, tuy nhiên việc những mã chứng khoán của doanh nghiệp lớn bị hủy niêm yết cũng khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang về số phận lượng cổ phiếu đang nắm giữ, như trường hợp cổ phiếu IBC hay trước đó, thị trường từng nhốn nháo về việc cổ phiếu FLC (FLC Group) bị hủy niêm yết.

Theo các chuyên gia, có 2 trường hợp xảy ra sau khi cổ phiếu bị hủy niêm yết. Trường hợp cổ phiếu chuyển từ Sở giao dịch lớn (HoSE, HNX) xuống thị trường UPCoM thì cổ phiếu vẫn được đăng ký giao dịch để duy trì thanh khoản. Theo đó, doanh nghiệp có cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc chỉ được đăng ký niêm yết trở lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên UPCoM và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết.

Còn với cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn, nhà đầu tư rất khó để chuyển nhượng. Lúc này có 2 hình thức để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư: công ty phát hành cổ phiếu phải bỏ tiền mua lại số cổ phiếu này; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu chuyển cổ phiếu đó lên sàn giao dịch không chính thức hoặc thứ cấp để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu.

Để hạn chế rủi ro khi tham gia thị trường, theo khuyến nghị của các chuyên gia, nhà đầu tư cá nhân nên trang thị thêm kiến thức, hiểu biết về thị trường và nền tảng doanh nghiệp. 

Theo ông Nguyễn Kim Long - Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ, Chứng khoán SSI, ngoài các tiêu chí về kết quả kinh doanh, tiềm năng tăng trưởng thì việc công khai, minh bạch trong công bố thông tin và ý thức tuân thủ pháp luật cũng nên là những tiêu chí quan trọng khi nhà đầu tư lựa chọn công ty để đầu tư.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7123548227704872/?