Bích Ngọc ·
18 tuần trước
 10064

Những nguyên nhân nào làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023?

Trong năm nay, công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng cho biết, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công đã kéo dài nhiều năm.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác giải ngân

Theo Kho bạc Nhà nước (KBNN,) tính tới ngày 31/1/2024, dự kiến lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2023 là 642.865,5 tỷ đồng (bằng 96,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN).

Theo đó, vốn trong nước thanh toán là 622.917,3 tỷ đồng (bằng 97,4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN) và vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua KBNN là 19.948,2 tỷ đồng (bằng 68,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN).

Theo KBNN, có nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Cụ thể, tháng 1/2023 là thời điểm các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn đầu tư công năm 2022 (với số tiền là 58.638,9 tỷ đồng) và triển khai phân bổ kế hoạch vốn thuộc kế hoạch năm 2023. Bên cạnh đó, tháng 1/2023 cũng trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chính vì vậy cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ngoài ra, vì kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm 2023 đến hết ngày 31/12/2023 nên các bộ, ngành và địa phương cũng phải tập trung nguồn lực để giải ngân nguồn vốn này (số vốn kế hoạch đến ngày 30/11/2023 là 59.027,7 tỷ đồng), điều này cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023.

Trong việc phân bổ vốn đầu tư công, đến hết tháng 10, theo báo cáo của Bộ Tài chính, kế hoạch vốn năm 2023 vẫn chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết chiếm 2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với số vốn khoảng 14.188,5 tỷ đồng, điều này cũng ảnh hưởng đến triển khai, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Về việc giải ngân các dự án ODA, theo KBNN, các dự án sử dụng ODA không những phải tuân thủ các quy định của nước ngoài mà còn phải đảm bảo các thủ tục trong nước, do đó một số dự án trong năm 2023 cũng phải thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc cho nên cấp có thẩm quyền phải sửa đổi, bổ sung một điều khi triển khai, thực hiện như Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng cho biết, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công đã kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy đều xác định giải ngân đầu tư công là công việc trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta đã xác định cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng với 3 động lực chính gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.Chính vì vậy, cần nêu cao trách nhiệm để góp phần thực hiện Kết luận của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, góp phần vừa thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, vừa tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7204366766289684/?