Ngọc Lan ·
5 tuần trước
 9733

Những quốc gia ô nhiễm không khí nhất thế giới, chỉ số bụi mịn vượt ngưỡng kinh hoàng

Tại những quốc gia ô nhiễm không khí thuộc hàng top này, chỉ số bụi mịn PM2.5 cao gấp 11, thậm chí tới 15 lần so với chỉ số cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Theo số liệu thống kê mới nhất ngày 19/3/2024 của tổ chức đo lường không khí Thụy Sĩ IQAir, Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ là 3 quốc gia có bầu không khí ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2023. Dữ liệu này được thu thập từ hơn 30.000 trạm quan sát khắp 134 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong năm qua, Pakistan vẫn giữ nguyên vị trí top 3 quốc gia ô nhiễm không khí nhất thế giới. Bangladesh và Ấn Độ đã thay thế vị trí trước đó của Cộng hòa Chad và Iran.

Hình ảnh một khu công nghiệp với cột khói mù mịt bốc lên từ nhà máy thuộc Shyampur, thành phố Dhaka, Bangladesh.

Cụ thể là chỉ số bụi mịn PM2.5 cao gấp 15 lần so với chỉ số cho phép của Tổ chức Y Tế Thế giới WHO. Nếu như WHO khuyến cáo chỉ số bụi mịn không được vượt quá 5 microgram/m³ thì tại Bangladesh con số này chạm ngưỡng 79,9 microgram/m³, tại Pakistan là 73,7 microgram/m³ và tại Ấn Độ là 92,7 microgram/m³. Năm 2022, Bangladesh xếp hạng 5 trong top những quốc gia ô nhiễm không khí nhất thế giới, còn Ấn Độ xếp hạng 8.

Khói đen kịt bốc lên từ một lò gạch ở ngoại ô thành phố Dhaka, Bangladesh.

Bà Christi Chester Schroeder, Trưởng phòng Khoa học Chất lượng Không khí của IQAir - tổ chức đo lường không khí Thụy Sĩ cho biết, do điều kiện khí hậu và tính chất địa lý ở Nam Á nên chỉ số bụi mịn mới tăng vọt kinh hoàng như vậy. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do thói quen sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và mật độ ô nhiễm. Khi chất thải không có chỗ thoát, chúng quanh quẩn như vậy ở trong không khí dẫn tới mật độ ô nhiễm dày đặc.

Nhà máy thép gần khu ổ chuột của thành phố Dhaka, Bangladesh bị bao phủ bởi lớp sương bụi mù.

Theo ước tính của ông Md Firoz Khan, chuyên gia ô nhiễm môi trường trực thuộc Đại học Dhaka's North South (Mỹ), tỷ lệ tử vong sớm ở Bangladesh rơi vào khoảng 20%, mà nguyên nhân được cho là do ô nhiễm không khí. Chỉ tính riêng chi phí chăm sóc sức khỏe do ô nhiễm không khí cũng chiếm từ 4 - 5% GDP của nước này.

Cộng hòa Chad từng giữ vị trí quốc gia ô nhiễm không khí nhất thế giới vào năm 2022, nhưng tới năm 2023, nước này đã khắc phục và thoát khỏi top 3. Iran và Sudan cũng nối gót và được đưa ra khỏi danh sách xấu.

Chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng tăng 6,3% ở Trung Quốc lên mức 32,5 microgram/m³ trong năm 2023, sau 5 năm giảm liên tiếp. Chỉ có duy nhất Úc, Estonia, Phần Lan, Grenada, Iceland, Mauritius và New Zealand đạt chuẩn mức cho phép về chỉ số bụi mịn PM2.5 của WHO.

Các phương tiện giao thông chậm rãi nối đuôi nhau giữa màn sương mù dày đặc ở thành phố New Delhi, Ấn Độ.

Tình trạng ô nhiễm không khí đạt mức báo động nhưng trẻ em ở thành phố Karachi, Pakistan vẫn vô tư chơi đùa vì chúng đã quá quen thuộc với màn sương mù độc hại này.

Bà Christa Hasenkopf, Giám đốc thống kê chất lượng không khí của Học viện Chính sách năng lượng, trực thuộc Đại học Chicago (Mỹ) cho biết hiện nay có tới 39% quốc gia bỏ qua việc đo lường chất lượng không khí nơi công cộng. Mặc dù việc đo lường này rất có lợi và tốn ít chi phí nhưng nhiều quốc gia vẫn chưa nỗ lực trong việc cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí mang tính chất toàn cầu, đặc biệt là ở những nơi có nhiều bệnh lý do ô nhiễm không khí gây ra.