Như Loan ·
3 năm trước
 2873

Những tác phẩm nghệ thuật mang thông điệp mạnh mẽ về rác thải nhựa

Từng đến Việt Nam năm 2019 làm mô hình "Rẽ sóng biển nhựa" từ 168.000 chiếc ống hút cũ, mới đây nhiếp ảnh gia Benjamin Von Wong lại có một dự án khác mang thông điệp mạnh mẽ hơn về rác nhựa.

rác thải nhựa

Bức ảnh từ dự án “Turn off the plastic tap” của Benjamin Von Wong nhằm cảnh báo rác nhựa đang “đánh cắp” tương lai của thế hệ tiếp theo - Ảnh: Benjamin Von Wong

Lần này, anh muốn phác thảo bức tranh toàn cảnh và đáng sợ hơn nữa về rác nhựa dùng một lần trong đại dịch COVID-19.

"Lượng tiêu thụ đồ nhựa dùng một lần đã tăng 250 - 300% trong đại dịch" - nhiếp ảnh gia 34 tuổi người Canada nói, nhấn mạnh thông điệp phải giải quyết vấn đề từ gốc trong chia sẻ cùng Tuổi Trẻ.

Phải "tắt vòi xả nhựa"

"Là nghệ sĩ và là nhà hoạt động môi trường, tôi luôn tìm kiếm những cách thể hiện sinh động để vấn đề ô nhiễm nhựa được quan tâm hơn. Tôi từng thực hiện các dự án từ 168.000 cái ống hút, 18.000 chiếc ly nhựa và 10.000 chai nhựa.

Nhưng các dự án đó chỉ giúp nâng cao nhận thức ở từng chủ đề cụ thể mà chưa chỉ ra được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là sản xuất nhựa. Chúng ta cần chấm dứt việc làm ra quá nhiều đồ nhựa chỉ dùng trong vài phút.

Các thành phố không thể xử lý và cứ thế chúng bị thải ra môi trường" - anh nói về lý do thôi thúc dự án nghệ thuật mới nhất.

Dùng nhiếp ảnh và nghệ thuật sắp đặt để "đánh động" các vấn đề môi trường là ý tưởng anh Benjamin theo đuổi nhiều năm nay. Nhờ khả năng hình tượng hóa các ý tưởng một cách độc đáo, Benjamin luôn có cách biểu đạt thông điệp của mình thành tác phẩm sắp đặt cụ thể trước mắt người xem.

rác nhựa

Một trong các tác phẩm của Turn off the plastic tap.

Ở dự án "Turn off the plastic tap" (tạm dịch "Hãy tắt vòi xả nhựa") ra mắt đầu tháng này, anh phối hợp với Đại sứ quán Canada ở Pháp dựng mô hình vòi nước khổng lồ có chiều cao bằng tòa nhà 3 tầng và đang xả nhựa vô tội vạ. Anh muốn ai cũng thấy môi trường sẽ đỡ khổ biết bao nếu chúng ta đồng lòng tắt cái "vòi xả" ấy đi.

Với ý tưởng đó, Benjamin bắt tay thực hiện tác phẩm ở thành phố Montreal, Canada. "Một lần nữa tôi thành người đi gom rác" - anh kể điềm nhiên như đã quá quen với công việc ấy.

Anh chạy khắp nhà tìm kiếm vỏ hộp, chai nhựa để tạo hình cho "nước". Cũng như dự án trước, anh nhờ cậy sự hỗ trợ của cộng đồng mạng và một số tổ chức môi trường giúp thu gom vỏ chai, hộp nhựa cũ làm chất liệu.

Sự ủng hộ nhiệt thành từ cộng đồng là một trong những điều thường thấy ở các dự án nghệ thuật của Benjamin. "Ngày nào cũng có người đến giúp chúng tôi làm sạch rác nhựa, cột lại và phân loại thành nhựa trong, hỗn hợp và nhựa đen" - anh kể.

plastic
Turn off the plastic tap.

Nhóm thực hiện còn cắt 100 vỏ chai 2 lít thành sợi dài để buộc các hộp nhựa với nhau thành chuỗi. Các công đoạn được triển khai nhịp nhàng với sự trợ giúp của nhiều người nên chỉ sau khoảng một tuần, số vật liệu đã đủ chất đầy một xe tải.

Benjamin muốn chiếc vòi nước của anh phải có kích thước to bằng ghế sofa và nhất định phải là vật liệu tái chế vì anh muốn giữ tinh thần "tái sử dụng" xuyên suốt dự án. Thế là anh gọi điện cho người quen, nhờ tìm giúp các công trình đang tháo dỡ để anh và bạn bè đến đó... nhặt ve chai.

Chiến lợi phẩm cả nhóm thu được từ một tòa nhà sắp bỏ là vài trăm ký ống thông gió đủ kích thước đã qua sử dụng. Họ làm sạch chúng rồi tạo hình thành vòi nước.

Sau đó, anh phải tìm cách nâng chiếc vòi nặng hơn trăm ký đó lên độ cao bằng 3 tòa nhà. Một người bạn là kỹ sư âm thanh đã dùng chiếc xe chuyên dụng thường nâng những dàn loa "khủng" để giúp anh việc này.

nhiếp ảnh gia

"Tôi chọn tập trung vào các vấn đề môi trường vì điều đó thiết yếu với tất cả chúng ta. Nếu đại dương chết, chúng ta cũng chết." - Anh Benjamin Von Wong

Tương lai bị đánh cắp

Là nhiếp ảnh gia nên Benjamin Von Wong không chỉ muốn trưng bày các tác phẩm sắp đặt, anh còn dùng chúng làm chất liệu cho các bộ ảnh và thông qua đó lan tỏa thông điệp rộng hơn.

Với "Turn off the plastic tap", anh chủ ý chọn nhiều bối cảnh khác nhau để phản ánh cuộc khủng hoảng rác nhựa ở nhiều chiều kích của nó, lúc ở bãi rác, khi trong sân chơi trẻ em, lúc trên bãi biển...

"Ảnh chụp tại trung tâm tái chế để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này, nhưng cũng để thấy rằng tái chế không giúp giải quyết vấn đề khi số đồ nhựa làm ra quá nhiều. Ảnh chụp ở bãi rác hy vọng giúp mọi người thấy được quy mô cuộc khủng hoảng khi những thứ chúng ta tưởng đã biến mất rồi mà thực ra vẫn còn đó.

Còn ảnh chụp trên bãi biển muốn nói rằng biển chính là nơi hứng chịu hàng tấn nhựa mỗi năm. Trong khi đó, ảnh chụp ở sân chơi trẻ em cảnh báo một tương lai đang bị đánh cắp khỏi thế hệ tiếp theo. Và ảnh ở bãi container nói về việc chất thải nhựa đang được nhập khẩu và xuất khẩu trên khắp thế giới" - Benjamin chia sẻ ý tưởng với Tuổi Trẻ.

Dự án "Turn off the plastic tap" được trưng bày tại Trung tâm văn hóa Canada ở Paris, Pháp đến giữa tháng 11 năm nay.

COP26 khó đạt mục tiêu tham vọng

khí thải

Một tổ hợp nhà máy nhiệt điện ở Đức - Ảnh: Reuters

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP26) diễn ra từ hôm nay 31-10 đến 12-11 tại thành phố Glasgow, Scotland.

Khoảng 140 lãnh đạo thế giới sẽ dự COP26 trực tiếp để đưa ra những cam kết về mục tiêu cắt giảm khí thải nhằm làm chậm lại quá trình Trái đất ấm lên trong giới hạn 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).

COP26 được kỳ vọng sẽ làm nên lịch sử, giống như COP21 hay được nhắc đến với Thỏa thuận khí hậu Paris. Tuy nhiên, khả năng thành công, tức đạt mục tiêu tham vọng là giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5oC, là "có thể" nhưng không chắc, theo phát biểu của Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson trước thềm hội nghị mà báo The Guardian dẫn lại.

Trước khi đến với COP26, các nước đã công bố mục tiêu cho chiến lược chống biến đổi khí hậu, song mục tiêu này lại không đủ so với mức kêu gọi được đưa ra. Cam kết của ba quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ khiến nhiều người dự đoán việc đạt mục tiêu tại hội nghị sẽ khó khăn.

Trung Quốc, quốc gia phát thải khí làm Trái đất ấm lên nhiều nhất, cử ông Giải Chấn Hoa - đặc sứ về biến đổi khí hậu - đến dự COP26. Các cam kết của Trung Quốc hầu hết là cũ và chưa cụ thể.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hy vọng có thể ra dự luật để hiện thực hóa cam kết cắt giảm

50 - 52% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ vào năm 2030, nhưng cho tới khi lên đường sang châu Âu dự Hội nghị G20 rồi sau đó là COP26, các thành viên trong đảng của ông vẫn không thể đạt được thỏa thuận. Mỹ là quốc gia phát thải nhiều thứ hai thế giới.

Ấn Độ, quốc gia phát thải nhiều thứ ba, thẳng thừng bác bỏ mục tiêu trung hòa lượng phát thải (có nghĩa khí thải gây hiệu ứng nhà kính tạo ra và thu lại bằng 0) vào năm 2050 không phải là giải pháp cho biến đổi khí hậu. Ấn Độ xác định vẫn cần phụ thuộc vào than và nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố tháng 8-2021 chỉ ra nếu không hành động ngay lập tức, nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ nóng lên 1,5oC trong một hoặc hai thập niên tới.

Trước thềm COP26, Liên Hiệp Quốc cảnh báo các quốc gia cần làm nhiều hơn nữa để giảm lượng khí CO2 thải vào bầu khí quyển, nếu không Trái đất sẽ nóng lên tới 2,7oC vào năm 2050.

Nguồn