Nông nghiệp hữu cơ trên thế giới hiện đang có xu hướng phát triển khá nhanh. Nông nghiệp hữu cơ hay còn gọi là canh tác hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp luân canh chủ yếu dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ như: phân từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn, bột xương,… tăng độ phì nhiêu cho đất bằng nhóm cây trồng có tác dụng cải tạo đất. Nhấn mạnh vào các kỹ thuật luân canh giống cây trồng, kiểm soát dịch hại sinh học, sử dụng xen canh cây trồng khắc chế dịch hại, hoặc khuyến khích sự tồn tại động vật là thiên địch của sâu bệnh dịch hại.
IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ) cho rằng, phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới và xác định tầm nhìn chiến lược của nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 sẽ góp phần giải quyết các thách thức trong tương lai của nông nghiệp; trở thành hệ thống sử dụng đất được ưa chuộng và được lựa chọn ở nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ an toàn hệ sinh thái nhờ việc tăng cường chức năng sinh thái; sản xuất thực phẩm lành mạnh và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường.
Việt Nam là một nước nông nghiệp với 75% dân số và nguồn lao động sinh sống tại nông thôn. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2018 ngành nông nghiệp đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, góp phần ổn định chính trị – xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành, tình trạng ô nhiễm môi trường nông nghiệp cũng ngày càng nghiêm trọng.
Hiện nay, các vấn đề cần được giải quyết của ngành nông nghiệp là ô nhiễm ở các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, các làng nghề, vùng sản xuất thâm canh do tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan và khu vực nông thôn do chất thải từ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt không được thu gom xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về thách thức ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, Trung Quốc, Philipines, sản xuất nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tương đương với sản xuất công nghiệp. Do sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nông nghiệp trở thành nguyên nhân chính làm ô nhiễm đất, không khí và nước.
Bởi những tổn hại nặng nề mà nông nghiệp truyền thống đem tới cho môi trường, sự ra đời của nông nghiệp hữu cơ hiện trở thành một trong những giải pháp tối ưu nhằm hạn chế và kiểm soát ô nhiễm, đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Vì vậy nông nghiệp hữu cơ trở thành một giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu bởi không sử dụng các loại phân bón hóa học làm chậm tình trạng suy thoái đất và nước. Theo đó, hạn chế tình trạng biến đổi gen, giảm sự xuất hiện của các loài thiên địch, mặt khác nông dân giữ được các giống cây trồng lâu năm cho năng suất cao.
Để phát triển theo hướng “xanh” đang đòi hỏi có sự thay đổi về nhận thức và thực tiễn hành động từ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi phương thức sử dụng năng lượng, xây dựng các thể chế, chính sách mới cho đến thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, các địa phương sẽ căn cứ vào điều kiện, lợi thế của mình để lựa chọn những lĩnh vực phát triển và xác định bước đi phù hợp. Các địa phương có tiềm năng về nông nghiệp sẽ chú trọng các mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái gắn liền với việc xây dựng người nông dân hiện đại, nông thôn văn minh, theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 109/2018/NĐ-CP nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Nông nghiệp hữu cơ là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái. |