Thành Phong ·
1 năm trước
 9024

Phát triển bền vững Việt Nam: Cần có lộ trình thực hiện cụ thể

Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu Trái đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng.

Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2004, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự (CTNS) 2030 vì sự phát triển bền vững.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu Trái đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng. Đây là những mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đang thực hiện ở Việt Nam.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Cụ thể, ban hành kèm theo Quyết định này Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 quy định tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Lộ trình).

Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc ban hành nhiều chính sách, chiến lược phát triển bền vững Việt Nam.

Quyết định đưa ra lộ trình cụ thể, cơ quan chủ trì để thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 với 117 chỉ tiêu. Cụ thể:

Đến 2030, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 60%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng hơn 2,5 đến 3 lần so với năm 2020; tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người 7500 USD; trị giá hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm giai đoạn 2026-2030;...

Các cơ quan được giao chủ trì thực hiện các chỉ tiêu chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai các hoạt động nhằm đạt được Lộ trình đến năm 2025 và 2030; theo dõi, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội theo quy định tại Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tăng cường số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập, chia sẻ dữ liệu phục vụ cho công tác giám sát, đánh giá kết quả thực hiện đối với từng chỉ tiêu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan rà soát và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa các chỉ tiêu phát triển bền vững có khả năng đạt được vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan rà soát, bổ sung, cập nhật Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam để phù hợp với Lộ trình cập nhật được ban hành và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trong việc triển khai thực hiện Lộ trình và không cần ban hành Lộ trình cho địa phương mình.

Triển khai đồng bộ, toàn diện thực hiện các cam kết tại COP26

Trong những năm qua, Việt Nam xác định thúc đẩy tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ then chốt của quốc gia để kiến tạo một không gian phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các cam kết tại COP26 của Việt Nam thúc đẩy nhu cầu về tài chính xanh tăng lên, là cơ hội lớn để phát triển thị trường tài chính xanh để đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng xanh. Việt Nam cũng như các nước khác cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo COP26, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

Được biết, ngay sau khi tham dự COP26, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại hội nghị. Kể từ khi thành lập vào tháng 12/2021 đến nay, Ban Chỉ đạo quốc gia đã tổ chức 3 phiên họp, thảo luận, thống nhất ý kiến làm cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các công việc được phân công, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch triển khai ở tầm quốc gia.

Trong đó, xây dựng, ban hành Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan ngành giao thông vận tải; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; Quy hoạch điện VIII. Riêng Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ được phê duyệt sớm.

Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại COP26 để gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu... Các bộ trưởng, thành viên Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hành động của ngành với những chỉ tiêu cụ thể triển khai cam kết tại COP26.

Tại phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo COP26 mới đây, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững.

Đồng thời, phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Việc phát triển xanh phải bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.