Xuân Hoà ·
2 năm trước
 3392

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng hiệu quả

Rừng tự nhiên rất quan trọng, đặc biệt là đối với vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng tự nhiên là trách nhiệm của mọi người; cũng như việc phát triển kinh tế tại khu vực này phải gắn với bảo vệ rừng.

Ý thức bảo vệ rừng của người dân đã từng bước được nâng cao nhờ hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại. (Ảnh: Báo Dân tộc)

Hiệu quả từ mô hình khoán quản bảo vệ rừng 

Với diện tích rừng tự nhiên lớn 485.996 ha, trong đó diện tích đất có rừng là hơn 372.666 ha, những năm qua, Bắc Kạn đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng để khai thác tiềm năng thế mạnh này, duy trì tỉ lệ che phủ rừng dẫn đầu cả nước với 73,4%. Thời gian đầu mới tái lập tỉnh, trong điều kiện khó khăn chung về kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Kạn thường xảy ra tình trạng đốt nương, làm rẫy, phá rừng, khiến diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng. Nhiều diện tích rừng bị bỏ hoang. Tuy nhiên, thực hiện các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, tỉnh đã trở thành điểm sáng về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Tại huyện Chợ Đồn, địa phương có tỉ lệ che phủ rừng lớn nhất tỉnh với 80,5%, các chính sách khuyến khích phát triển rừng đã có những hiệu quả nhất định với địa phương. Những năm qua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã làm giàu bền vững từ kinh tế rừng. Kể từ khi thực hiện chính sách giao khoán rừng cho các hộ gia đình, người dân đã tập trung phát triển kinh tế, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Thực hiện chủ trương chung của tỉnh về phát triển cây trồng gỗ lớn, huyện đã quan tâm phát triển các loại cây như như mỡ, trám, lát, quế… Vụ này gối tiếp vụ kia tạo nên những cánh rừng xanh bạt ngàn thay thế những diện tích đất trống, đồi trọc trước đây. Bên cạnh đó, huyện phát triển rừng vầu, tre để thu hoạch măng theo mùa. “Khi rừng có chủ”, người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng, nhờ đó, độ che phủ rừng của địa phương đạt cao.

Còn tại Đồng Nai Thượng, xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), với 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn chục năm trước, cuộc sống khó khăn nên người dân đã vào rừng săn bắn, hái lượm, thậm chí chặt phá rừng, lấn chiếm đất để sản xuất. Thế nhưng, bây giờ đã khác xưa. Bà con nơi đây đã ý thức được tầm quan trọng của rừng trong hệ sinh thái nên không phá hoại. Hơn nữa, việc thực hiện giao nhận khoán, bảo vệ rừng giúp họ có thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống, do đó ai cũng chung sức, đồng lòng giữ rừng. Ông K' Đuốc, Tổ trưởng Tổ Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Đạ Cọ xã Đồng Nai Thượng là một trong những người có uy tín được cán bộ, người dân trong xã tin tưởng. Theo ông, việc giữ rừng là thiêng liêng, không phải đứng từ xa thấy rừng xanh mà chủ quan, không đến kiểm tra. Ở Đồng Nai Thượng, người nào được giao rừng là người đó phải giữ bằng mọi giá và phải luôn đề cao tính cảnh giác. Chính vì vậy, đều đặn, đến lịch tuần tra rừng là từ sáng tinh mơ, ông lại ghé Trạm Kiểm lâm Bù Sa để cùng các cán bộ lên đường. 

Không riêng gì gia đình ông K'Đuốc, hàng trăm hộ dân khác trong xã khi thực hiện ký hợp đồng giao nhận khoán bảo vệ rừng với Ban Lâm nghiệp xã cũng làm tốt công tác quản lý diện tích rừng đã nhận. Ngoài công việc nương rẫy, người dân Đồng Nai Thượng cũng tự sắp xếp thời gian để hằng ngày thay phiên nhau cùng cán bộ kiểm lâm đi tuần tra rừng. Với ông K’ Đuốc, giữ rừng bây giờ là nguồn sống và đó cũng là thể diện, danh dự của gia đình. “Nếu mình không làm tốt việc của mình, để cây rừng bị đốn hạ, người dân có hành vi lấn chiếm, phá cây sẽ bị cả cộng đồng “lên án” rồi bị Ban Lâm nghiệp xã cắt ngay hợp đồng”, ông K’ Đuốc nói.

Không chỉ riêng Bắc Kạn, Lâm Đồng mà ở nhiều tỉnh có diện tích rừng, việc khoán quản và triển khai nhiều mô hình hay giúp người dân có sinh kế tốt gắn với rừng nên rừng ngày càng phát triển bền vững.

Phát triển rừng bền vững giúp nâng cao đời sống người dân

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 và cùng đó, phát triển lâm nghiệp bền vững đã phát huy được những ưu thế vốn có về rừng và đất lâm nghiệp của các địa phương trong bảo vệ, phát triển rừng; Tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp... Trồng rừng cũng là chủ đề các đại biểu quan tâm trong phiên họp ngày 3/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Đoàn Bắc Kạn) cho biết, rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như việc bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Nhất là trong những năm trở lại đây, chất lượng môi trường đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi, biểu hiện rõ nét nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai liên tiếp xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng như: lũ quét, mưa đá, hạn hán, xâm ngập mặn… gây thiệt hại nặng nề đến đời sống người dân và hạ tầng cơ sở. Những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020. Tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc từ 39,7% năm 2011 lên 42% năm 2020. Chính sách giao đất, giao rừng sản xuất cho hộ gia đình, doanh nghiệp là giải pháp mang tính đột phá cho việc chăm lo giữ rừng, trồng rừng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, việc lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển ngành lâm nghiệp chưa rõ nét. Một số chỉ tiêu về trồng mới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chưa đạt kế hoạch, việc giữ rừng chưa hiệu quả.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ trong 5 năm (2012 - 2017) diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá rừng trái phép là 11%, còn lại 89% là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt; trong đó, phần lớn là các dự án phát triển kinh tế. Trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã đưa ra giải pháp xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp phát triển kinh tế vùng, lấy phân vùng làm cơ sở để đầu tư phát triển; Trong đó đặc biệt quan tâm tới vùng miền núi nơi có rừng đầu nguồn để đầu tư các nguồn lực hỗ trợ. 

Người dân xã Đồng Nai Thượng cùng với kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên tuần tra, bảo vệ rừng.

Theo Quyết định 26/2020/QĐ-TTg quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 thì đối với các tỉnh có diện tích che phủ rừng trên 50% được tính 2 điểm là rất thấp. Do đó, không đủ nguồn lực để các địa phương giữ rừng và để người dân ở các khu vực này yên tâm bảo vệ, phát triển rừng. Hơn nữa, trước những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra, cần phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trong phòng chống thiên tai. Do đó, Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh tiêu chí phân bổ ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đoạn 2021 - 2025 cho các tỉnh có tỉ lệ diện tích che phủ rừng cao. Đồng thời, có chính sách sắp xếp ổn định dân cư vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nguy cơ lũ lụt, sạt lở cao để đảm bảo an toàn cho người dân. Cùng đó, giai đoạn vừa qua, ngân sách nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng lâm nghiệp và phát triển sản phẩm từ lâm nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Bởi vậy, sản phẩm từ rừng mới chỉ là nguồn nguyên liệu chứ chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Trong khi đây lại là giải pháp giảm nghèo hiệu quả cho các địa phương, nhất là khu vực miền núi. 

Diện tích rừng cả nước chủ yếu tập trung ở vùng miền núi là khu vực đầu nguồn lưu vực các con sông, suối lớn ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai cho hạ lưu vùng đồng bằng. 

Thế nhưng, tại các khu vực này, người dân mới chỉ được hưởng mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng và mức chi trả dịch vụ môi trường rừng thấp. Do đó, họ chưa thể dựa vào rừng để có thu nhập ổn định và bảo đảm sinh kế. Trong kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 chưa đề cập đến nhiệm vụ này. Bởi vậy, tôi đề nghị Quốc hội xem xét có Chương trình, chính sách phát triển lâm nghiệp và vùng nguyên liệu lâm nghiệp đối với khu vực các tỉnh miền núi. 

Bên cạnh đó, cần coi phát triển lâm nghiệp là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; Đồng thời, là giải pháp kinh tế thúc đẩy xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.  


Trước mắt, tập trung đầu tư nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng như: Đường lâm nghiệp, công nghệ và khu chế biến các sản phẩm có nguyên liệu từ rừng; Xem xét nâng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng và mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng tương xứng. Đồng thời, có cơ chế thu hút xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư cho lâm nghiệp... 

 

Phát triển rừng là yếu tố trọng yếu để phát triển môi trường

Đại biểu Nguyễn Xuân Cường (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, trong vòng 30 năm, từ nước có mức GDP thấp như vậy, Việt Nam quyết tâm xây dựng kinh tế bền vững và phát triển rừng được coi là yếu tố trọng yếu để phát triển môi trường. Về nguyên liệu, từ 4,3 triệu ha rừng đã sản xuất 30 triệu m3 cho ngành kinh tế công nghiệp về lâm nghiệp. Hiện chúng ta có tới 4.600 doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực này. Năm nay, con số xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt 13 tỉ USD về chế biến lâm sản.

 

 

Nguồn