Ngọc Lan ·
9 tuần trước
 9886

Phát triển tín dụng xanh vì mục tiêu kinh tế bền vững

Tín dụng xanh đã và đang là động lực giúp phát triển kinh tế xanh, bền vững. Mặc dù vậy, tín dụng xanh ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu và cần có lộ trình xanh toàn diện để tăng cường nguồn tài chính và thúc đẩy các dự án thân thiện môi trường.

Tín dụng xanh là hoạt động cho vay để đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển các dự án không gây hại và góp phần bảo vệ môi trường. Tín dụng xanh được coi là công cụ quan trọng để đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh và giải quyết các thách thức của môi trường toàn cầu. Nếu được sử dụng đúng cách, tín dụng xanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu lượng khí thải carbon, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến hết 6 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng xanh mới đạt gần 680.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4.5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Tín dụng xanh đang được các ngân hàng xác định là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh dài hạn. Theo BIDV, tính đến ngày 31/3/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 73.394 tỷ đồng cho 2.069 phương án kinh doanh của 1.698 khách hàng. Dự kiến danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đạt 3 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 4% dư nợ tín dụng của ngân hàng này. Viecombank ghi nhận quy mô tín dụng xanh tăng gần 6 lần trong 5 năm vừa qua, từ quy mô 7.890 tỷ đồng cuối năm 2018 lên hơn 46.100 tỷ đồng năm 2023, chiếm xấp xỉ 4% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này.

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, yếu tố chính để NHNN cho vay xanh là danh mục xanh quốc gia, tạo nên sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh trong ngành Ngân hàng với các bộ, ngành khác. Điều đó giúp các ngân hàng xác định các dự án, khoản vay được gắn nhãn “xanh”, xác định được định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp. Tuy vậy, các tổ chức tín dụng vẫn đang lúng túng trong việc triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng xanh, dù NHNN đã ban hành hướng dẫn thống kê các lĩnh vực xanh là các dự án, phương án thuộc 12 lĩnh vực nhưng tất cả chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, Ngân hàng Thương mại chỉ là trung gian tài chính, để các ngân hàng thực hiện cho vay bền vững, thực hành tiêu chí Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) trong kinh doanh thì rất cần danh mục phân loại xanh để có thể hỗ trợ ngân hàng trong quá trình nhận diện và đánh giá thế nào là dự án xanh. Điều này không chỉ giúp việc chuẩn hóa các quy trình của ngành Ngân hàng mà còn tạo ra những nền tảng làm nên tính minh bạch trong việc định hướng các dòng đầu tư trong lĩnh vực tài chính.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank kiến nghị: Thứ nhất, các cơ quan ban ngành sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh để các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý xác thực các dự án, hạng mục dự án đáp ứng điều kiện tín dụng xanh. 

Thứ hai, cần sớm có các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường carbon như xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon… nhằm đẩy nhanh vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam. 

Thứ ba, cần xây dựng và hình thành hệ thống dữ liệu về tình hình tuân thủ, vi phạm yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp, tạo cơ sở cho các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định, xác định mức độ rủi ro môi trường khi đánh giá khách hàng vay. Qua đó hạn chế cấp tín dụng cho hoạt động gây hại môi trường.