Ngọc Lan ·
9 tuần trước
 9868

SeABank chú trọng đẩy mạnh tín dụng xanh

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, tín dụng xanh chính là một trong những giải pháp mà rất nhiều các tổ chức tài chính hướng đến.

Tín dụng xanh không chỉ là một xu hướng tài chính mới mà còn là một phần quan trọng của chiến lược phát triển bền vững, ngân hàng sẽ là nhân tố quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng xanh.

Với tôn chỉ hướng tới cộng đồng, đặt khách hàng là trọng tâm, SeABank luôn chú trọng phát triển các hoạt động kinh doanh mang tính bền vững, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội, trong đó có tín dụng xanh. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Được biết, từ năm 2021, để triển khai các chương trình tín dụng xanh SeABank đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn tài trợ từ nước ngoài để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích về môi trường chẳng hạn như: nông nghiệp xanh, công trình xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn và các lĩnh vực xanh khác. 

Đến nay, ngân hàng này đã được nhiều tập đoàn/tổ chức tài chính quốc tế như IFC, DFC và nhiều quỹ đầu tư quốc tế tài trợ vốn lên tới gần 600 triệu USD. Kết hợp với nguồn lực nội sinh, SeABank đã cung cấp nhiều giải pháp tài chính linh hoạt, tối ưu việc sử dụng nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Cùng với đó, SeABank tập trung giải ngân cho các dự án tín dụng xanh, chống biến đổi khí hậu, cho vay khách hàng cá nhân mua nhà tại các dự án có chứng chỉ công trình xanh, qua đó mang lại tác động tích cực đến kinh tế - xã hội và môi trường.

Ngân hàng này hướng đến trở thành một ngân hàng tiên phong, tích cực trong hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội để lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường, cộng đồng đến toàn bộ các khách hàng, đối tác. Được biết, SeABank ban hành Danh sách các lĩnh vực loại trừ không cấp tín dụng - các lĩnh vực có tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và sàng lọc toàn bộ các giao dịch cấp tín dụng theo danh sách này. Các giao dịch không thuộc Danh sách loại trừ tiếp tục được SeABank đánh giá rủi ro môi trường, xã hội và đề xuất những biện pháp giảm thiểu cụ thể nếu có tồn tại rủi ro. 

Tại sao các ngân hàng phát triển tín dụng xanh?

Tại nước ta, tín dụng xanh là xu hướng tài chính mới và được dự đoán ngày càng bùng nổ mạnh mẽ. Một số lý do chính giải thích vì sao các nhà băng đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh:

Sự thay đổi nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Các nhà băng đã dần nhận ra rằng vai trò của mình trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách tài trợ cho các dự án xanh hoặc hạn chế các dự án có ảnh hưởng xấu.

Tuân thủ theo quy định của Chính phủ: Không ít các quốc gia đã và đang ban hành các quy định khắt khe hơn về bảo vệ môi trường và giảm thiểu khí thải carbon. Các nhà băng cần tuân thủ các quy định này để tránh bị phạt và duy trì hoạt động kinh doanh bền vững.

Xây dựng hình ảnh thương hiệu: Tín dụng xanh có thể được coi là một trong những hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp. Các ngân hàng có thể khai thác để quảng bá hình ảnh thương hiệu thân thiện với môi trường, thu hút và tạo dựng lòng tin với khách hàng và nhà đầu tư quan tâm đến các vấn đề bền vững.

Cơ hội tăng trưởng kinh doanh bền vững: Ngành công nghiệp xanh đang phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều cơ hội kinh doanh mới. Các dự án xanh cũng thường có tiềm năng sinh lời cao và rủi ro thấp hơn trong dài hạn do sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và xu hướng tiêu dùng xanh của người dân. Qua đó, nhà băng có thể tận dụng cơ hội này để đa dạng hóa danh mục đầu tư và mở rộng thị trường.

Sự hỗ trợ từ chính phủ và gia tăng cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế: Ngày nay nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đưa ra các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng phát triển các sản phẩm tín dụng xanh. Cùng với đó, ngân hàng có thể hợp tác với các tổ chức quốc tế và các định chế tài chính khác để phát triển các sáng kiến xanh, từ đó tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế.