Ngày rằm tháng Giêng sắp cận kề và đây là dịp để các tăng ni, phật tử, người dân phóng sinh các loài vật trở lại môi trường sống tự nhiên. Hoạt động này thực chất mang nhiều ý nghĩa trong tín ngưỡng Phật giáo và tính nhân văn trong đời sống xã hội.
Ở góc độ môi trường, phóng sinh góp phần vào công cuộc tái tạo tự nhiên. Đây được hiểu như một nghi thức giúp sinh vật trở về với môi trường sống và tiếp tục sinh sôi nảy nở.
Tuy nhiên, mặt trái của việc phóng sinh hiện nay thực chất chỉ là một mắt xích trong một chuỗi hoạt động kinh doanh có chu kỳ xoay vòng: bắt – nhốt – bán – thả. Cuối cùng, việc phóng sinh trở nên vô nghĩa khi biến nó thành hình thức kinh doanh.
Rùa cá sấu có nguồn gốc châu Mỹ được phát hiện trên đầm Thị Nại vào tháng 5/2021. Ảnh: Ái Trinh
Bên cạnh đó, phóng sinh không đúng cách còn có thể gây những tác động không tốt đối với môi trường sống và đa dạng sinh học trong vùng. Việc phóng sinh một cách bừa bãi chính là tác nhân phát tán những loài ngoại lai xâm hại vào môi trường bản địa.
Còn nhớ vào ngày 19/5/2021, tại đầm Thị Nại thuộc địa phận TP Quy Nhơn, Bình Định, một cá thể rùa cá sấu (Macrochelys temminckii) là động vật hoang dã ngoại lai có nguồn gốc từ châu Mỹ nặng 4,3 kg, được ngư dân Lê Tám, sinh năm 1968, thường trú tại Tổ 46, Khu vực 9, phường Đống Đa, trong quá trình hành nghề chồ rớ phát hiện. Việc rùa cá sấu có nguồn gốc châu Mỹ xuất hiện trên đầm Thị Nại rất có thể do được ai đó mua về nuôi rồi mang ra đầm phóng sinh. Hành động này có thể gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của loài bản địa và tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Vì vậy, để gìn giữ những giá trị thực của tín ngưỡng văn hóa, người dân cần thực hiện các nghi thức tín ngưỡng một cách chuẩn mực. Cộng đồng dân cư và các tăng ni, phật tử cần nâng cao hiểu biết về các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại môi trường; các loài khuyến khích thả phóng sinh phù hợp với hệ sinh thái tại địa phương; số lượng, thành phần loài và kỹ thuật thả phóng sinh phù hợp, dọn vệ sinh sau khi thả…
Đồng thời, thả phóng sinh những giống loài hữu ích cho môi trường sinh thái và đời sống xã hội trên địa bàn Việt Nam nhằm duy trì, ổn định môi trường sinh thái, đa dạng sinh học các thành phần giống loài ngoài tự nhiên để từ đó, quần đàn các loài bản địa, các loài quý hiếm, đang có nguy cơ bị mất dần trong các hệ sinh thái tự nhiên được tái tạo và phục hồi tạo sự cân bằng sinh thái và phát triển bền vững.