Minh Anh ·
1 năm trước
 3488

Thế giới đầu tư hơn 1.000 tỷ USD, mức chi kỷ lục cho chuyển dịch năng lượng xanh năm 2022

Trong năm 2022, tổng số vốn đầu tư cho ngành năng lượng xanh đã vượt 1.000 tỷ USD, chủ yếu vào các lĩnh vực như xe điện, năng lượng tái sinh, hạt nhân hoặc các dự án tái chế vượt các khoản chi tiêu cho nhiên liệu hóa thạch.

Theo báo cáo của BloombergNEF công bố mới đây, trong năm 2022, tổng số vốn đầu tư cho ngành năng lượng xanh đã vượt 1.000 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên số vốn rót vào các lĩnh vực như xe điện, năng lượng tái sinh, hạt nhân hoặc các dự án tái chế vượt các khoản chi tiêu cho nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo khẳng định đây là tiến bộ nhất định trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của toàn thế giới. Tuy nhiên, BloombergNEF cho rằng các khoản đầu tư cho công nghệ chuyển đổi năng lượng cần nhanh chóng tăng thêm 3 lần để có thể thực hiện mục tiêu đạt khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. 

Đáng chú ý, Trung Quốc - quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, cũng là nước có số vốn đầu tư vào chuyển đổi năng lượng lớn nhất, trên cả Mỹ và Đức. Theo nghiên cứu, 5 quốc gia đứng đầu danh sách là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil. 5 nước này gây ra thiệt hại cho kinh tế toàn cầu lên tới 6.000 tỷ USD, trong đó Nga, Ấn Độ và Brazil đã gây ra thiệt hại hơn 500 tỷ USD mỗi nước.

Trung Quốc - quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, cũng là nước có số vốn đầu tư vào chuyển đổi năng lượng lớn nhất.

Ngoài ra, gần 50% tổng số vốn đầu tư năng lượng xanh tập trung tại Trung Quốc, đặc biệt vào các ngành tái chế thép, năng lượng tái sinh và xe điện. 

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguồn chính tạo ra CO2 và là yếu tố đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu, chiếm gần 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trong đó, than đá tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều nhất, gấp đôi so với khí tự nhiên. Vì vậy, một trong những chìa khóa quan trọng để cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thành công là giảm sử dụng than đá trong sản xuất năng lượng.

Xét trên toàn thế giới, năng lượng tái tạo là lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất với 495 tỷ USD, tiếp theo là các dự án giao thông điện khí hóa. Ngoại trừ năng lượng hạt nhân, các nhà nghiên cứu cho biết tất cả các lĩnh vực khác đều có mức đầu tư kỷ lục.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, năm 2022, thế giới tiêu thụ hơn 8 tỷ tấn than, tăng 1,2% so năm trước đó và vượt mức kỷ lục được thiết lập năm 2013. Giám đốc phụ trách các thị trường và an ninh năng lượng tại IEA Keisuke Sadamori nhận định, thế giới đang tiến gần đến mức đỉnh điểm về tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Lý giải nguyên nhân chính gây ra “cơn sốt” sử dụng than đá thời gian qua, IEA cho rằng là do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Giá khí đốt tăng cao trong khi nguồn cung bị gián đoạn do cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến nhiều quốc gia buộc phải giải tỏa cơn khát năng lượng bằng việc tăng cường tỷ lệ sử dụng than đá.

Tại châu Âu, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng năng lượng, mức tiêu thụ than trong năm 2022 đã tăng năm thứ hai liên tiếp, lên mức kỷ lục 478 triệu tấn. Nhiều nước châu Âu đã khởi động lại hoặc trì hoãn việc đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than.

Vì vậy, phát triển công nghệ chuyển đổi năng lượng đang được chú trọng tại nhiều nước khi nhiều quốc gia chứng kiến sự gia tăng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt sau khi nguồn cung bị gián đoạn do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa và xây dựng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật diễn ra ngày càng mạnh mẽ đồng thời đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng… Trong khi đó, trữ lượng và khả năng cung cấp năng lượng trong nước ngày càng hạn chế và nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng ngày càng lớn.

Tính đến hết năm 2021, công suất hệ thống điện của Việt Nam đã đạt khoảng 76.620 MW, trong đó thuỷ điện đạt 22.111 MW, nhiệt điện than là 25.397MW, nhiệt điện khí là 7.398MW, công suất điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 21.100 MW.

Hiện Việt Nam rất có tiềm năng về năng lượng tái tạo. Tại báo cáo triển vọng năng lượng 2021, mức cung năng lượng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gần gấp 4 vào năm 2050. Năng lượng gió, Mặt Trời và thủy điện chiếm khoảng 75% nguồn cung năm 2050, than sẽ bị loại bỏ vào năm 2050 đồng thời lên kế hoạch điện khí hóa cho tất cả các ngành.