Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 16 chương và 265 điều, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung chưa có phương án tối ưu, có những nội dung có 3 phương án.
Nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm, như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất…
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong đó có hai nội dung có 3 phương án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (ảnh: Quốc hội)
Điều kiện để cá nhân nhận chuyển nhượng đất lúa
Liên quan đến quy định nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đối với cá nhân, theo UBTVQH, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu thực hiện thí điểm tại một số địa phương về việc UBND cấp tỉnh chấp thuận cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thành lập tổ chức kinh tế nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để đánh giá tổng kết trước khi áp dụng quy mô rộng rãi trên cả nước.
Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chi tiết về hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp là đất trồng; nghiên cứu phương án quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng mức nhất định thì cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp muốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế, trường hợp nhận chuyển nhượng với diện tích không lớn…
Do đó, dự thảo thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Phương án 1, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Đây là quy định mới so với Luật Đất đai 2013, do đó UBTVQH cho rằng “cần hết sức thận trọng”; nhất là trong điều kiện pháp luật hiện hành chưa có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang như yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Phương án 2 là không giới hạn về điều kiện đối với cá nhân nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Khi đó sẽ khuyến khích việc chuyển nhượng đất trồng lúa giữa các cá nhân, việc quy định thành lập tổ chức kinh tế không thay đổi bản chất việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Tuy nhiên, phương án này có thể dẫn đến tình trạng trên diện tích đất trồng lúa sẽ có nhiều đối tượng khác nhau có quyền sử dụng đất trồng lúa, tiềm ẩn nguy cơ cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thay vì sản xuất thực sự trên đất trồng lúa lại đầu cơ đất trồng lúa, cản trở việc tích tụ, tập trung đất trồng lúa để đưa vào sản xuất, kinh doanh…
Phương án 3, khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định.
Tìm giải pháp giải quyết việc “chậm quy hoạch”
Nội dung tiếp theo của dự thảo luật còn ba phương án chưa thể chốt là về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp.
Có ý kiến cho rằng, nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất “được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước” là chưa phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017.
Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi theo hướng các quy hoạch sử dụng đất có thể được lập đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch cấp thấp hơn; đồng thời đề nghị cần quy định rõ, chặt chẽ hơn về trách nhiệm, thời gian hoàn thành các cấp quy hoạch, tránh tình trạng vướng mắc cấp dưới phải chờ quy hoạch của cấp trên, kéo dài trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức và cá nhân…
Trên cơ sở đó, UBTVQH xin ý kiến Quốc hội dựa trên ba phương án.
Thứ nhất, cho phép các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu chưa thực hiện hết đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Quy định theo hướng này bảo đảm các quy hoạch cấp trên sẽ phải sớm hoàn thành để làm căn cứ cho quy hoạch cấp dưới được phê duyệt, tránh chậm trễ như thời gian qua.
Thứ hai, các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn.
Thứ ba là chỉnh sửa theo hướng thực hiện theo pháp luật về quy hoạch.
UBTVQH cho biết, đa số ý kiến của UBTVQH thống nhất với ý kiến thứ nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, tại Hội trường ở Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp thứ 5. Dự thảo luật cũng được lấy ý kiến rộng rãi cử tri và nhân dân trên cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật, tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án luật này.
Dự thảo luật cũng đã được gửi xin ý kiến Chính phủ, các đoàn ĐBQH, dự kiến nếu đủ điều kiện và đảm bảo chất lượng, luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp này. Mặc dù đã quyết tâm, nỗ lực, nhưng tài liệu gửi tới Quốc hội vẫn chưa được kịp thời theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự án luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Việc sửa đổi luật huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân. Quy định của luật ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, quyền và lợi ích của người dân. Chất lượng của dự án luật phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn.
Còn Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Đánh giá cao dự thảo Luật lấy ý kiến từ đông đảo cử tri, nhân dân cả nước.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm bày tỏ sự thống nhất cao với bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mà Ban soạn thảo đã lấy ý kiến cử tri, nhân dân qua các cuộc họp, hội thảo, từ cơ quan địa phương đến Trung ương, các cơ quan truyền thông thông tin đến đại chúng cũng như ý kiến của UBTVQH trong nhiều phiên họp để luật trình Quốc hôm nay. Đồng thời thống nhất cao với báo cáo thẩm tra của Ủy Ban Kinh tế.
Qua nghiên cứu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thấy rằng, sự thống nhất ý kiến của UBTVQH, Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp rất chặt chẽ, nghiên cứu, rà soát để chất lượng dự thảo Luật lần này sẽ được sự đồng tình cao nhất của các ĐBQH khi luật được thông qua.
Góp ý về Điều 4 quy định về người sử dụng đất, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thống nhất chọn phương án 2.
Còn Điều 7, đề nghị bổ sung thêm điều khoản là người đại diện tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc chịu trách nhiệm đối với sử dụng đất làm cơ sở thờ tự, trụ sở của tổ chức và đất sử dụng vào mục đích khác theo quy định của luật.
Đối với Điều 32 khoản 2, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị bổ sung hai từ “cho mượn”, tức là “không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê” thì bổ sung “cho mượn” để bảo đảm quyền sử dụng đất chặt chẽ hơn, trên thực tế nhiều người không thể lách luật được.
Đối với Điều 79 khoản 9, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị bổ sung thêm cụm từ là “tổ chức tôn giáo trực thuộc” ví dụ như “xây dựng công trình tôn giáo bao gồm trụ sở của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc”. Cũng tại Điều này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị không nên giải thích, liệt kê các công trình của tôn giáo cũng như tín ngưỡng. Bởi vì mỗi một tôn giáo có tên của các cơ sở tôn giáo riêng. Nếu liệt kê thì có thể thiếu sót tên của các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Không nên quy định cứng điều kiện tái định cư trong dự thảo Luật.
Đại biểu Góp ý về điều kiện về khu tái định cư, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho biết dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kĩ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục.., phù hợp vơi điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền…. Đại cho rằng với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cũng cho rằng việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền là rất khó khả thi. Bởi lẽ phong tục tập quán là điều đặc trưng không địa phương nào giống địa phương nào, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác. Do đó theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng.
Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị rà soát liên quan đến định nghĩa “tái định cư” trong dự thảo luật, khái niệm về “người không có chỗ ở nào khác”.
Về tài sản gắn liền với đất thuê khoản 2 Điều 34, đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1 và cho rằng quy định theo hướng này bảo đảm tài sản nhà nước, thực hiện bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, hạn chế thất thoát tài sản nhà nước.
Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa tại khoản 7 Điều 45, hiện đang có 2 phương án, đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1. Đại biểu cho rằng quy định theo hướng này sẽ bảo đảm công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân thu gom đất trồng lúa để đầu cơ, ảnh hưởng đến phát triển. Bên cạnh đó để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất phải có phương án sử dụng đất và lên kế hoạch sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với điều kiện hiện nay, tránh tính trạng không quản lý được quỹ đất.
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Giải quyết các vấn đề trong công tác quản lý, sử dụng đất
Đại biểu Trần Thị Vân cho biết, dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 6 cơ bản đã được sửa đổi và bổ sung theo hướng phù hợp hơn so với thực tiễn trên cơ sở rà soát, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia và toàn thể nhân dân.
Dự thảo Luật thể hiện rõ hơn vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri đối với một dự án luật quan trọng của đất nước. Đại biểu kỳ vọng, dự thảo luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay....
Quan tâm tới quy định liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, đại biểu chỉ rõ, hiện nay, các quy định này đang bị chia tách bởi hai luật, một nửa quy định tại Chương 5 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), còn lại được quy định tại Luật Quy hoạch. Đưa ra ví dụ về quan điểm trên, đại biểu chia sẻ, đối với quy hoạch về sử dụng đất quốc gia, quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất căn cứ vào nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia được quy định tại Điều 65 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong khi đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24 Luật Quy hoạch. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự đối với đất quốc phòng, an ninh và một số loại đất khác.
Như vậy, nếu giữ nguyên như dự thảo Luật thì sau khi ban hành việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ manh mún. Đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất phải sử dụng cùng một lúc là hai luật. Do đó, đại biểu đề nghị các quy định về quy hoạch sử dụng đất cần được sửa đổi, bổ sung vào ngay Chương 5 của dự thảo Luật. Đồng thời, bãi bỏ các quy định về nội dung, quy trình đang bị chồng chéo tại Luật Quy hoạch.
Trong phiên thảo luận sáng nay còn có rất nhiều ý kiến khác của các đại biểu Quốc hội, VNGreen tiếp tục cập nhật...
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7028450307214665