Ngọc Sang ·
2 năm trước
 2540

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1051/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh.

Theo Quyết định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 05/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh.

Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, đề cao trách nhiệm của Trưởng ban. Trưởng ban là người quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng ban được quyết định một số vấn đề cụ thể theo phân công, ủy quyền của Trưởng ban.

Các ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm triển khai công việc được phân công và chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Ảnh minh họa

 

Trưởng ban chủ trì cuộc họp định kỳ theo kế hoạch và triệu tập cuộc họp đột xuất khi cần thiết. Trưởng ban có thể ủy quyền cho Phó Trưởng ban chủ trì các cuộc họp để thảo luận, quyết định một số vấn đề cụ thể thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo phân công từng thành viên chịu trách nhiệm: Đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành; kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai tăng trưởng xanh trên phạm vi toàn quốc.

Ban Chỉ đạo họp định kỳ ít nhất 1 lần/năm và họp bất thường khi cần thiết theo quyết định của Trưởng ban. Ngoài việc họp trực tiếp để thảo luận, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của thành viên Ban Chỉ đạo, tổng hợp, báo cáo Trưởng ban xem xét, quyết định.

Kinh phí hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan có liên quan và nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 5/9/2022 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh. Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa hoạt động giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh.

Ban Chỉ đạo cũng giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và thực hiện các nhiệm vụ khác về tăng trưởng xanh do Thủ tướng Chính phủ giao.

Phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay khôi phục xanh hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các nước trong đó có Việt Nam.  Nhằm cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, ngày 22/7/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với 4 mục tiêu quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài.

Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, cập nhật Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp với định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.