Thành vũ ·
27 tuần trước
 8802

Quy hoạch Thủ đô: Chú trọng 5 trục phát triển

Thành phố xác định 5 trục không gian quan trọng, bảo đảm Hà Nội phát triển hài hòa, bền vững, phát triển văn minh, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg đã xác định các trục không gian với chức năng nổi trội như sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm TP Hà Nội; trục không gian kinh tế Mỹ Đình - Hương Sơn - Ba Vì. Bên cạnh đó là trục không gian văn hóa truyền thống Hồ Tây - Ba Vì (liên kết văn hóa Thăng Long - xứ Đoài); trục không gian cảnh quan Hà Đông - Chương Mỹ - Xuân Mai; trục không gian khoa học kết nối đô thị trung tâm với Hòa Lạc; trục không gian tâm linh Hồ Tây - Cổ Loa.

Tong quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, TP đã bám sát 3 Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị được ban hành trong năm 2022 để xây dựng những định hướng lớn về phát triển không gian cũng như hạ tầng khung cho Thủ đô trong giai đoạn tới. Trong đó có việc hình thành 5 trục không gian cảnh quan chính quan trọng, bảo đảm cho Hà Nội phát triển hài hòa, bền vững, phát triển văn minh, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống.

Các trục được định hướng nghiên cứu là trục sông Hồng - trục xanh, cảnh quan trung tâm; trục Hồ Tây – Ba Vì kết nối trung tâm với vùng văn hóa xứ Đoài; trục Nhật Tân – Nội Bài là trục đô thị thông minh; trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị. Cuối cùng là trục liên kết phía Nam, gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc.

Ảnh minh họa.

Một số định hướng chính về 5 trục không gian

Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, trong 5 trục không gian cảnh quan chính được định hướng nghiên cứu thì trục sông Hồng được quan tâm đặc biệt. Đây sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm TP.

Trục không gian sông Hồng, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay.

Trong lịch sử phát triển, Hà Nội là TP gắn liền với những dòng sông, trong đó sông Hồng lớn nhất. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, trong suốt quá trình lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, dòng sông Hồng luôn là nơi quy tụ mọi nguồn lực, là đặc trưng nhất cho văn hóa ở thời đại quốc gia Đại Việt mà trung tâm của nó là văn hóa Thăng Long.

Sông Hồng đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành và biến đổi của vùng châu thổ, đặc biệt là khu vực Hà Nội - trung tâm của châu thổ.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, trong thời Pháp thuộc và thời kỳ bao cấp, hệ thống giao thông, giao thương đường thủy và các dòng sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu không được khai thác, sử dụng.

Dòng sông Hồng được người Hà Nội đời đời thuần dưỡng và chung sống đã mất đi vẻ thân thiện, hài hòa của một dòng chủ đạo lịch sử, kinh tế, văn hóa Thủ đô, trở thành chướng ngại vật khổng lồ cho bước đường phát triển đô thị Hà Nội.

Nhằm xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”, trong vòng 20 năm nay, khu vực sông Hồng luôn được TP Hà Nội quan tâm nghiên cứu trong các chương trình, đề án, dự án hợp tác, đồ án quy hoạch liên quan.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, chủ trương quy hoạch sông Hồng trở thành trục cảnh quan trung tâm TP đã có từ lâu với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, thể hiện qua 20 dự án lớn nhỏ khác nhau nhưng đến nay chưa thực hiện được. Nguyên nhân chính do hành lang thoát lũ vẫn còn nhiều vướng mắc, bên cạnh đó đòi hỏi nguồn lực rất lớn.

Sau thời gian hoàn thiện các trình tự, thủ tục để hội tụ đầy đủ cơ sở pháp lý, năm 2022, TP Hà Nội chính thức phê duyệt hai quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Theo đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng), đồ án đã đặt nền móng phát triển TP Hà Nội theo hướng “nhìn sông, tựa núi” thay vì “quay lưng” vào dòng sông như hiện tại.

Đồng thời, tiếp nối những giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là gắn môi trường sống của con người với cảnh quan thiên nhiên.

Theo định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ. Đồng thời, đây cũng được quy hoạch là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính: công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô.

Trục không gian Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh.

Trục Hồ Tây - Ba Vì được xác định trên cơ sở kéo dài đường Hoàng Quốc Việt từ vành đai 3 đến QL21; Kết nối Ba Vì với Hồ Tây-Ba Đình.

Tuyến đường làm nhiệm vụ tăng cường khả năng hỗ trợ giao thông cho đại lộ Thăng Long, phục vụ các đô thị vệ tinh và vùng du lịch sinh thái phía Tây Hà Nội. Hướng tuyến Hồ Tây - Ba Vì nằm giữa đại lộ Thăng Long và QL32 với tổng chiều dài khoảng 28,5km, quy mô 6-8 làn xe. Quá trình triển khai làm 3 đoạn: Giai đoạn 1 từ vành đai 3 đến QL32 khoảng 3,4 km; đoạn 2 từ QD32 đến vành đai 4; đoạn 3 là phần còn lại.

Báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho thấy, triển khai quy hoạch tuyến đường này có nhiều hạn chế, đặc biệt là đoạn 1 nối từ vành đai 3 đến QL32. Cụ thể: Đoạn đường trên có tổng diện tích khoảng 244,9ha thì có 130ha đất thổ cư (53%).

Theo đó, khi thực hiện quy hoạch sẽ tác động đến khoảng 7.500 hộ dân thuộc khu tái định cư Phú Diễn 2,1ha, 2,3ha, 8,6ha, là các hộ dân phải di dời giải phóng mặt bằng lần 1 đã thực hiện các dự án mở đường QL32, đường nối Phạm Văn Đồng đến Đại học Mỏ Địa Chất, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài...

Tuyến đường trên cũng cắt qua các công trình hiện có: Học viện Tư Pháp với 3 công trình cao 7-9 tầng, Đại học Tài nguyên và Môi trường với 7 công trình cao 4 tầng, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai với 2 công trình cao 3 tầng, Trụ sở Uỷ ban nhân dân phường Phúc diễn công trình cao 2 tầng, Trường Cao đẳng in, Viện Hoá học công nghệ, Tổng kho 101 Biên phòng với 2 công trình cao 10 tầng... Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận định, việc này sẽ gây lãng phí.

Về tính khả thi, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, với mức độ ảnh hưởng đất đai , dân cư và các công trình hiện có như trên, tính khả thi thực hiện là thấp. Với bức xúc của nhiều hộ dân, khó đặt được sự ủng hộ và đồng tình.

Về mặt thực tiễn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho hay, Trục Hồ Tây - Ba Vì có cấp hạng là trục chính đô thị, được quy hoạch với nhiệm vụ tăng cường khả năng hỗ trợ giao thông cho đại lộ Thăng Long, phục vụ các đô thị vệ tinh và vùng du lịch sinh thái phía Tây Hà Nội.

Thực tế, hiện nay khu phía Tây Hà Nội đã có các tuyến đường đại lộ Thăng Long, QL32 kết nối giữa đô thị vệ tinh Sơn Tây, đô thị vệ tinh Hoà Lạc với trung tâm thành phố. Trục Hồ Tây - Ba Vì nằm giữa hai tuyến đường này, không đi qua đô thị vệ tinh hay sinh thái nào nên khả năng hỗ trợ giao thông cho hai tuyến đường là thấp.

Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng.

Theo đó, quy hoạch xác định các nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đối với các khu chức năng, không gian đặc trưng, cấu trúc đô thị bảo đảm phát triển ổn định, bền vững. Cùng với đó, thiết lập không gian đô thị mới hiện đại, đồng bộ trên trục Hồ Tây, Cổ Loa. Hình thành Trung tâm hành chính, văn hoá, thương mại, tài chính hướng Hồ Tây.

Quy hoạch ưu tiên phát triển các chức năng về du lịch, giải trí, khách sạn, hội nghị, các trụ sở cơ quan làm việc của Bộ, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu và chức năng chuyên ngành quy mô lớn theo mô hình hiện đại, cao tầng, đa chức năng.

Thiết lập trung tâm giao dịch đa chức năng quy mô lớn trên các tuyến giao thông chính như đường Phạm Văn Đồng, Tây Thăng Long, Hoàng Quốc Việt. Tạo nhiều không gian mở kết nối với Hồ Tây, sông Hồng và vành đai xanh sông Nhuệ với các khu đô thị mới.

Trong quy hoạch lần này, xác định rõ rằng có trục không gian nối từ phía tây Hồ Tây (tức từ Công viên Hòa Bình – đó là trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, thậm chí có cả các cơ quan trung ương) giao cắt với trục Cổ Loa, Đặng Thai Mai, bán đảo Quảng An để tạo thành một trục không gian Thăng Long - Hà Nội truyền thống nhưng hiện đại.

Trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh.

Khởi đầu cho trục đô thị thông minh là dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội có tổng diện tích 272ha tại huyện Đông Anh. Quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài (giai đoạn 3), khu vực dự án Thành phố thông minh giai đoạn 1 và giai đoạn 2.

Việc điều chỉnh nhằm triển khai cụ thể hóa đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị GN, N8 tỷ lệ 1/5.000 tại khu vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.

Đồng thời nhằm xây dựng khu đô thị xanh, thông minh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đáp ứng các tiêu chí theo mô hình đô thị các nước phát triển. Sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin thông minh để vận hành, quản lý khu đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong đô thị. Làm cơ sở lập dự án đầu tư theo quy định và là cơ sở pháp lý để các cơ quan, chính quyền địa phương quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Cụ thể, theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài được duyệt, khu vực nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch có tổng diện tích khoảng hơn 1,4 triệu m2, được phân thành 2 khu vực:

Khu A là phần lớn ô quy hoạch 3.1 (thuộc khu vực ô quy hoạch 6-8 thuộc phân khu đô thị GN) gồm các chức năng sử dụng đất: Mặt nước hồ Phương Trạch; 6 ô đất công cộng thành phố; 8 ô đất cây xanh thành phố; 2 ô đất di tích tôn giáo tín ngưỡng (chùa Hưng Long Tự và chùa Tinh Âm); 2 ô đất nhà ở thấp tầng; 1 ô đất giãn dân thôn Hải Bối; 1 ô đất công cộng đơn vị ở; 1 ô đất Nhà trẻ mẫu giáo; 1 ô đất cây xanh đơn vị ở và 1 ô đất bãi đỗ xe và đường giao thông. Các nội dung giữ nguyên theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt.

Khu B là một phần ô quy hoạch ký hiệu 3.2 (thuộc ô quy hoạch VIII.1.1 thuộc phân khu đô thị N8) gồm các chức năng sử dụng đất: 4 ô đất ở chung cư cao 25 tầng; 1 ô đất trường mầm non; 1 ô đất bãi đỗ xe; 1 ô đất cây xanh đơn vị ở và đường giao thông. Điều chỉnh chức năng các ô đất ở chung cư thành đất ở hỗn hợp, nâng tầng cao công trình, bố cục lại mặt bằng, hình dáng ô đất, bổ sung cây xanh và đất bãi đỗ xe. Đồng thời, có điều chỉnh ô đất bãi đỗ xe thành đất cây xanh đơn vị ở.

Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam.

Với 5 huyện phía Nam Thủ đô, gồm: Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, đơn vị tư vấn cũng cho rằng có nhiều điểm tương đồng, trong đó nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng; có khu du lịch thắng cảnh, văn hóa tâm linh Hương Sơn; cụm du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề Hà Đông - Quan Sơn - Hương Sơn...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường đề xuất, nên tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo cảnh quan không gian xanh, đa giá trị, đặc biệt quan tâm tổ chức không gian dân cư nông thôn nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng cho rằng, cần phát huy bản sắc của văn hóa xứ Đoài trong tổng thể phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trong đó nên tính kỹ vị trí, vai trò của sông Hồng trong vùng lõi của văn hóa xứ Đoài.

Đánh giá cao bản dự thảo quy hoạch, Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội Lê Quân cho biết, thời gian qua không gian đô thị Hà Nội phát triển rất nhanh, diện mạo ngày càng văn minh, hiện đại, có bản sắc, tạo động lực phát triển kinh tế đô thị. Tuy nhiên, dân số, hạ tầng đô thị, môi trường quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng đô thị.

Đồng quan điểm này, PGS, TS, KTS Nguyễn Đình Thi, Trường đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, bản quy hoạch đã thể hiện rõ sự chuyển đổi mạnh mẽ sang tích hợp quy hoạch, tạo cơ sở quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất hoạch định chính sách, tạo động lực phát triển Thủ đô; đồng thời giải quyết được những hạn chế phát triển đô thị thời gian qua.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch Thủ đô lần đầu tiên được thực hiện theo phương pháp tích hợp 17 lĩnh vực và 30 nội dung, có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức trên địa bàn thành phố, được kỳ vọng mang tính đột phá và tạo dấu ấn lớn trong lĩnh vực quy hoạch.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh, cơ quan được giao lập Quy hoạch Thủ đô cho biết, thời gian qua đơn vị đã chủ trì, phối hợp và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về công tác lập quy hoạch...

Viện cũng phối hợp với liên danh tư vấn tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia nhà khoa học về phương án phát triển của ngành, lĩnh vực, địa bàn để tích hợp vào quy hoạch.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6967447579981605/