Thành Phong ·
35 tuần trước
 9027

Rác thải nhựa tại TP.HCM đang "bức tử" nhiều kênh, rạch ngàn tỷ

Hệ thống các kênh, rạch tại TP.HCM đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thoát nước cho nội thành, điều hòa môi trường không khí,... Tuy nhiên, hiện nhiều kênh, rạch đang bị rác thải “bủa vây”, đặc biệt là rác thải nhựa gây ô nhiễm trầm trọng.

Hệ thống kênh, rạch của TP.HCM nói chung và hệ thống kênh, rạch trục chính Trung tâm Thành phố nói riêng là nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt và các hoạt động kinh tế khác (sản xuất, dịch vụ, thương mại, công nghiệp…) của thành phố.

Nhiều dự án cải tạo hệ thống các kênh, rạch tại TP.HCM với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã hoàn thành gần 10 năm nay nhưng vấn đề ô nhiễm vẫn chưa chưa được giải quyết như tại kênh Tân Hóa – Lò Gốm hay một số dự án “đắp chiếu” gần 20 năm vẫn chưa được triển khai như rạch Xuyên Tâm,...

Ghi nhận thực tế tại nhiều dòng kênh, rạch tại TP.HCM, bên cạnh vấn đề ô nhiễm do phải tiếp nhận nguồn nước thải chưa xử lý từ các hoạt động kinh tế - xã hội trên lưu vực. Tình trạng ô nhiễm do rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa cũng đang là thực trạng nan giải, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, cuộc sống của người dân.

Dọc tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm từ quận Tân Phú đến hết quận 6 không khó để bắt gặp những mảng lục bình kèm rác thải nhựa ứ đọng lâu ngày.

Cô H. bán nước ngay cạnh bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm chia sẻ: "Hiện tại dòng kênh đã được xử lý phân nửa rồi, 10 năm về trước nó mùi dữ lắm, màu nước đen thui. Mưa lớn thì nó đỡ mùi hơn, còn nắng thì mùi không thể chịu nổi. Giờ mỗi tuần dòng kênh được vớt rác khoảng 2-3 lần. Chỉ mong cơ quan chức năng sớm khắc phục để người dân dễ sống hơn".

Hay tại kênh Hàng Bàng thuộc quận 5 và quận 6, nguồn nước dưới lòng kênh hiện vẫn là một màu đen đặc, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Trải khắp mặt đoạn kênh này là rác thải nhựa như hộp xốp, chai nhựa, bao ni lông,...

Chú H. một người dân sống cạnh đoạn kênh này chia sẻ với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường: "Ô nhiễm thế này không dám cho trẻ con ra chơi. Ngày trước còn thả cá dưới nuôi, nước trong còn nhìn thấy cá nữa. Rồi sau nước bị ô nhiễm do đường cống nước thải, sự tuỳ tiện vứt rác thải của người dân.... Rác thải nhiều, nước đen như vậy mà cũng không thấy ai nạo vét hay vớt rác gì cả, mỗi khi trời nắng mùi hôi thối bốc lên rất kinh khủng.

Kênh này làm với mục đích sạch đẹp, tạo môi trường trong lành cho người dân, tạo chỗ cho trẻ em vui chơi mỗi buổi chiều. Giờ lại thành nơi ô nhiễm, gây khó chịu cho người dân. Thêm nữa, xung quanh ít thùng rác quá, người dân người ta cũng không có chỗ để vứt nên mới dẫn đến tình trạng này. Cũng mong chính quyền xử lý sớm để người dân bớt khổ".

Còn tại tuyến kênh Nước Đen, rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt cùng với lục bình ngập tràn khắp mặt kênh tạo nên hình ảnh xấu xí, ô nhiễm nghiêm trọng.

Anh Kiêm (40 tuổi) người dân sống gần dòng kênh Nước Đen cho biết: “Lục bình này là trôi từ bên kênh Tham Lương qua, ùn ứ nhiều quá mà chẳng thấy có ai vớt cả. Hiện thấy dòng kênh này ô nhiễm quá, hôi thối khó chịu. Vấn đề này theo tôi quan trọng nhất là ý thức người dân, trên kia có cái chợ nên mỗi lần có họp là họ hay xả rác xuống như thùng xốp, bao ni lông, đồ ăn,…

Để ngăn chặn rác thải bị ném xuống kênh, các cấp chính quyền nên làm hệ thống lưới ngăn rác, lục bình từ đầu kênh Tham Lương và thu gom, vớt rác thường xuyên như kênh Nhiêu Lộc. Thêm nữa, cũng cần phải có biện pháp xử phạt có tính răn đe đối với những người hay xả rác xuống kênh”.

Còn tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn góc đường Út Tịch, lượng rác thải nhựa tích tục về đây rất lớn, dọc dòng kênh này cũng không khó để bắt gặp rác thải trôi nổi.

Anh Đ. công nhân vớt rác trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho biết: "Mỗi ngày chúng tôi phải vớt đủ loại rác thải từ túi nylon, thùng xốp, hộp cơm, vỏ chai. Đáng nói hơn nữa là có cả giường, tủ, xác động vật, ghế sofa, nhánh cây... Thông thường, những loại rác lớn như giường, tủ thì người dân thường đổ vào ban đêm, còn những loại rác thải sinh hoạt khác có người ném thẳng xuống sông ngay cả ban ngày."

Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM thông tin: "Công ty là đơn vị thực hiện vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ước tính mỗi ngày công ty vớt khoảng 10 tấn rác/ngày trên tuyến kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè và khoảng 5-6 tấn trên tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm."

Nhiều tấm pano, khẩu hiệu nhằm kêu gọi người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không xa rác xuống kênh, rạch được treo trên hàng rào khắp các bờ kênh tại TP.HCM. Tuy nhiên, việc làm này dường như chưa thực sự hiệu quả, khi lượng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa bị xả xuống các kênh, rạch này vẫn với số lượng “khủng” mỗi ngày.

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA

Về nguyên nhân và giải pháp đối với tình trạng này, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận định, đầu tiên, nguyên nhân quan trọng nhất là ý thức của người dân, họ chưa thấy được nhiều vấn đề của việc rác thải nhựa đối với kênh rạch nên họ thấy tiện là họ vứt.

Tiếp đến là vấn đề quản lý của chính quyền địa phương, không quản lý được là người dân họ vứt rác không đúng nơi ngay.

Nguyên nhân cuối cùng là vấn đề kinh tế. Bởi khi chúng ta cho phép dùng nhựa tràn lan, thuế đối với mặt hàng nhựa lại rất rẻ, như vậy là người ta sẵn sàng dùng sản phẩm từ nhựa. Ví dụ như những chai nhựa đựng nước, không có ai thu mua thì người ta vứt ra ngoài môi trường. Hoặc như mình đi chợ, túi ni lông mà đắt thì người bán chỉ cho mình đủ số lượng dùng thôi.

Như vậy, giải pháp về lâu dài của vấn đề này là cần phải giáo dục cho người dân các kiến thức về rác thải nhựa; điều chỉnh các chính sách về kinh tế để hạn chế tối đa sản phẩm từ nhựa; đầu tư các trang thiết bị để hỗ trợ việc quản lý người dân vứt rác như: tăng cường thu gom rác tại nhà, mật độ thùng rác cần nhiều hơn, camera giám sát chỗ người dân hay xả rác,...