Ngọc Lan ·
31 tuần trước
 9794

San hô toàn cầu đang bị tẩy trắng mạnh mẽ, chết dần chết mòn

Hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu năm 2024 đang cảnh báo cho thế giới biết rằng, san hô đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng.

Những rạn san hô vốn nổi tiếng với màu sắc rực rỡ dọc theo bờ biển từ Úc tới Kenya và Mexico giờ đây đã chuyển sang màu trắng nhợt nhạt và thiếu sức sống. Các nhà khoa học cho biết, đây là lần thứ 4 xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô trên quy mô toàn cầu trong thời gian 3 thập kỷ qua. Theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (U.S National Oceanic and Atmospheric Administration's - NOAA), có ít nhất 54 quốc gia và vùng lãnh thổ đã gặp phải tình trạng tẩy trắng san hô hàng loạt kể từ tháng 2/2023. Nguyên nhân của hiện tượng này là do biến đổi khí hậu  khiến nước bề mặt đại dương ấm lên.

Những rạn san hô rực rỡ đầy màu sắc nay đã trắng ởn, nhợt nhạt vô hồn.

Tổ chức Rạn San hô Quốc tế (International Coral Reef Initiative - ICRI) cho biết thêm, hiện tượng tẩy trắng san hô hiện đang xảy ra mạnh mẽ ở cả ba lưu vực đại dương bao gồm Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong khoảng thời gian 1 năm qua. Đây được đánh giá là đợt tẩy trắng san hô toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay.

Quá trình tẩy trắng san hô xảy ra khi nhiệt độ nước biển nóng lên bất thường khiến các rạn san hô trục xuất tảo ra khỏi cơ thể. Nếu thiếu các sinh vật tảo đầy màu sắc, san hô sẽ thiếu đi chất dinh dưỡng, nhạt màu dần và không thể tồn tại. Nếu san hô chết, hệ sinh thái biển sẽ mất cân bằng, đe dọa các sinh vật và chuỗi thức ăn phụ thuộc vào chúng.

Trong năm 2023 vừa qua, nhiệt độ mặt nước biển đã tăng kỷ lục do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Các nhà khoa học lo ngại nhiều rạn san hô sẽ không thể phục hồi sau đợt nóng gay gắt và kéo dài. Theo dự đoán trước đó, khoảng 70 - 90% rạn san hô sẽ mất nếu thế giới nóng lên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là điều đáng quan ngại trong tình trạng nhiệt độ Trái đất ngày càng tăng và đã nóng lên 1,2 độ C.

Nhà sinh thái David Obura, Trung tâm Phát triển và Nghiên cứu Duyên hải Ấn Độ Dương Đông Phi, thành phố Mombasa, Kenya lo ngại các rạn san hô đang rơi vào tình trạng suy giảm không ngừng. Nếu không ngăn chặn được lượng khí thải carbon, Trái đất vẫn tiếp tục nóng lên, khí hậu vẫn tiếp tục thay đổi và san hô vẫn tiếp tục bị tẩy trắng.

Theo ước tính của ICRI năm 2020, các rạn san hô có thể đem tới doanh thu khoảng 2,7 nghìn tỷ USD từ hàng hóa và dịch vũ mỗi năm. Chúng thu hút khách du lịch, bảo vệ ven biển khỏi bão và hỗ trợ ngành đánh bắt cá ven biển.

San hô bị tẩy trắng cũng đồng nghĩa với việc chúng sẽ thiếu dinh dưỡng và chết dần, chết mòn.

Khi san hô bị tẩy trắng hàng loạt, nhiều sinh vật biển khác cũng gặp nguy hiểm theo.