Ngày 31/10, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng đã ký báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh về vụ việc người dân xây chung cư mini cao 9 tầng với 146 căn trên địa bàn xã Tân Xã.
Lãnh đạo huyện Thạch Thất cho biết, sau khi được tuyên truyền, vận động và "sự vào cuộc cương quyết của chính quyền địa phương", chủ đầu tư đã thực hiện tháo dỡ toàn bộ phần mái tôn, khung sắt tòa chung cư mini. Hiện tại đã tháo dỡ xong phần vi phạm của tầng 9 và đang tiếp tục tháo dỡ tầng 8.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất đề nghị được xây nhà cao tối đa 9 tầng trên địa bàn các xã. (Ảnh: ITN)
UBND huyện đã giao tổ công tác phụ trách chỉ đạo, khắc phục các công trình vi phạm của huyện và UBND xã Tân Xã tiếp tục đôn đốc, giám sát chủ đầu tư khắc phục hậu quả công trình vi phạm đảm bảo tiến độ, an toàn lao động.
UBND huyện Thạch Thất khẳng định đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn kiên quyết không để các công trình xây dựng vi phạm, không đảm bảo điều kiện về PCCC đưa vào sử dụng.
Cùng với đó, địa phương lập hồ sơ xử lý đối với các công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, PCCC; xây dựng kế hoạch cưỡng chế đối với các hộ không tự giác khắc phục vi phạm.
Đối với các công trình vi phạm nếu khắc phục được công tác PCCC, địa phương cam kết sẽ tạm đình chỉ để khắc phục, sau đó sẽ kiểm tra nếu đảm bảo các điều kiện thì được đưa vào sử dụng. Với công trình vi phạm không thể khắc phục thì đình chỉ hoạt động và tăng cường kiểm tra giám sát.
Về đề xuất, lãnh đạo huyện cho rằng Đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5785 năm 2014 đến nay có nhiều bất cập, không phù hợp, chưa cân đối, hài hòa phát triển giữa các xã trong huyện.
Theo đó, địa phương cho rằng đồ án trên có tính bền vững chưa cao, chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa nhanh và nhu cầu phát triển của huyện.
Việc này tác động, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh và bền vững, cũng như nhu cầu về đầu tư xây dựng nhà ở của nhân dân trong huyện, nhất là đối với nhân dân tại các xã ven khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Qua các ý kiến kiến nghị của cử tri trên địa bàn và các kỳ tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc Hội TP Hà Nội, HĐND và UBND huyện Thạch Thất đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép huyện cập nhật, đề xuất tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô về định hướng tầng cao xây dựng đối với các xã trên địa bàn huyện (tối đa 9 tầng).
Theo lãnh đạo huyện, việc điều chỉnh trên nhằm phù hợp với định hướng phát triển Thành phố phía Tây theo Nghị Quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xử lý triệt để chung cư mini sai phép
Việc Hà Nội và tất cả tỉnh, thành trên cả nước tiến hành tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra chung cư mini theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cho thấy kẽ hở trong cấp phép, quản lý, giám sát xây dựng diễn ra trong thời gian qua.
Với vụ chung cư mini mang tên My Home xây dựng trên đường Phú Hữu (xã Tân Xã, huyện Thạch Thất), ngay sau khi có thông tin, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND TP, UBND huyện Thạch Thất kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí nêu về công trình "chung cư cao cấp My House" tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất. Đồng thời xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân (nếu có). Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cần chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.
Tiếp đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo kết quả kiểm tra cho thấy, công trình được cấp phép ba tầng, một tum với tổng diện tích sàn gần 500m2 nhưng chủ chung cư này đã xây lên 9 tầng, mỗi sàn 550 - 650m2. Nhưng đáng quan tâm hơn cả, ngoài tòa chung cư mini My Home xây dựng sai phép, trên địa bàn huyện Thạch Thất cũng có những tòa chung cư mini khác được quây bạt kín phần mái để phá dỡ, “cắt ngọn” phần vượt tầng, sau khi UBND huyện yêu cầu phá dỡ.
Lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất thừa nhận nguyên nhân để công trình vi phạm như trên mà không bị xử lý ngay từ đầu do cán bộ, công chức và các đơn vị liên quan chưa làm hết trách nhiệm. Ngày 18/10 vừa qua, Huyện ủy Thạch Thất tổ chức phiên họp của Thường trực Huyện ủy và sau đó ra Kết luận chính thức về việc đình chỉ 3 Chủ tịch UBND xã Tân Xã, Thạch Hòa và Bình Yên. Lý do đình chỉ nhằm tập trung xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn 3 xã nêu trên.
Thực tế cho thấy, quy định của pháp luật đã khá chặt chẽ, trong đó, Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng (thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP) có sửa đổi biện pháp "buộc tháo dỡ" thành "buộc phá dỡ" công trình, phần công trình xây dựng vi phạm… Tuy nhiên, những vi phạm về trật tự xây dựng chưa thấy giảm rõ rệt. Như tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, vẫn còn nhiều địa bàn có tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng ở mức cao như Cầu Giấy 14,58%, Chương Mỹ 9,09%,
Đan Phượng 6,9%, Gia Lâm 5,6%, Hoàn Kiếm 7,4%, Mê Linh 42,5%, Sóc Sơn 10,7%, Thạch Thất 9,8%. Một số công trình xây dựng sai phép, không phép tăng 1,94 lần so với cùng kỳ năm 2022…
Điều đó cho thấy, việc cấp phép, giám sát, quản lý công trình xây dựng có vấn đề. Thực tế, cơ quan quản lý chức năng cũng đã nhìn nhận, chỉ ra nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức và người dân còn hạn chế; ở một vài nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đặc biệt đối với những trường hợp vi phạm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, việc xử lý gặp nhiều khó khăn dễ gây khiếu kiện phức tạp.
Nếu như vai trò giám sát của chính quyền địa phương thực sự tốt, thì ngay khi phát hiện công trình vi phạm, lực lượng chức năng cũng như chính quyền cơ sở kiên quyết, quyết liệt xử lý ngay từ đầu, chắc rằng sẽ chẳng có một công trình xây dựng sai phép, không phép nào có thể tồn tại. Vậy mới thấy, tầm quan trọng của việc giám sát, thực thi quy định của pháp luật tại cơ sở. Và đây cũng là biện pháp tránh phát sinh những vụ việc gây bức xúc dư luận hoặc những khiếu kiện vượt cấp.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7024621597597536/