Ông Bùi Hữu Tuấn cho biết, ông tới TPHCM lập nghiệp, sau hơn 30 năm làm việc ông đã tích lũy được 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm ở Ngân hàng SCB, lấy lãi hàng tháng để chi tiêu, sinh sống lúc về già.
Tuy vậy, lúc đến kỳ đáo hạn, nhân viên tư vấn của ngân hàng SCB lại tư vấn chuyển sang mua trái phiếu của Công ty An Đông bằng cách đánh tráo khái niệm là chuyển sang loại hình tiết kiệm linh hoạt 31 ngày.
Tại TPHCM, có hàng chục nghìn người cũng bị “dính bẫy” tương tự. Do không hiểu biết về tài chính và tin vào lời tư vấn của các tư vấn viên, họ đã chuyển hết số tiền tiết kiệm, tích lũy của mình sang “gói tiết kiệm linh hoạt” mà không hề biết thực chất là mua trái phiếu của doanh nghiệp. Đến khi sự việc vỡ lở mới “ngớ người”, tiền lãi không thấy đâu còn tiền gốc cũng không biết tới ngày nào mới được lấy lại.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Tại buổi tiếp xúc cử tri với đoàn ĐBQH TPHCM sáng ngày 3/10, ông Tuấn đã thay mặt những người dân mua trái phiếu từ Ngân hàng SCB đưa ra đề xuất phương án để Ngân hàng SCB mua lại trái phiếu đã đến hạn, trả lãi cho các trái phiếu chưa đến hạn mà SCB đã bán. Cử tri mong muốn đoàn ĐBQH chuyển tải và có tiếng nói trong đề án cơ cấu lại Ngân hàng SCB.
Ông Tuấn có câu hỏi rằng, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB nhưng có tính đến giải pháp giải quyết hậu quả của ngân hàng gây ra cho các nạn nhân hay không?
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho biết, cơ quan chức năng đang trong quá trình tiếp tục điều tra. Những trường hợp vi phạm sẽ phải trả giá cho những sai phạm đã gây ra. Còn về vấn đề bồi thường thì cần xem xét theo luật. Nếu Nhà nước đứng ra bồi thường, số tiền đó thực chất cũng từ tiền thuế của người dân.
“Nếu tập thể 100 triệu người đóng thuế để đền bù cho một số người dù rằng tôi biết họ khó khăn và rất chính đáng nhưng liệu có được sự đồng thuận của toàn xã hội hay không?” Bà Lan cho hay.
Bà Lan cũng khẳng định, chắc chắn Nhà nước sẽ không buông trôi vụ việc này thế nhưng việc xử lý sẽ phải thực hiện trên cơ sở của pháp luật. Đồng thời đoàn ĐBQH cũng sẽ ghi nhận, đề xuất, đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tìm ra các giải pháp để hạn chế ảnh hưởng, tổn thất nhất cho người dân và cũng sẽ xử lý nghiêm để làm gương cho các sự việc khác.
Vụ SCB làm ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường tiền tệ
Tại Diễn đàn phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, các vấn đề bất cập tích tụ qua nhiều năm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán đã bộc lộ rõ hơn sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngân hàng SCB phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt… đã ảnh hưởng trực tiếp và tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây ra nguy cơ rủi ro hệ thống không nhỏ cho nền kinh tế vừa mới phục hồi vẫn còn mong manh.
Dù nền kinh tế nước ta đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất nhưng theo ông Thắng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng những khó khăn không thể khắc phục chỉ trong ngày một ngày hai. Thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng; ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là nguy cơ lạm phát gia tăng vào cuối năm; nguy cơ đổ vỡ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản chưa thể loại trừ.
Ngày 22/9, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú đã trao quyết định của Thống đốc NHNN về nhân sự tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo đó, NHNN quyết định chỉ định ông Phan Đình Điền thôi giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank sang đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB (thay cho ông Vũ Anh Đức) kể từ ngày 22/9/2023. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6915784541814576/?