Bích Ngọc ·
32 tuần trước
 12155

Tân Chủ tịch của Ngân hàng SCB là ai?

Ông Phan Đình Điền được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng SCB, trước đó ông từng có 30 năm công tác tại Agribank và là thành viên Hội đồng Thành viên của ngân hàng này.

Hôm nay (ngày 22/9), Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú đã trao quyết định của Thống đốc NHNN về nhân sự tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Theo đó, NHNN quyết định chỉ định ông Phan Đình Điền thôi giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank sang đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB (thay cho ông Vũ Anh Đức) kể từ ngày 22/9/2023.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú trao quyết định cho ông Phan Đình Điền.

Được biết, ông Đức sẽ thôi giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB để điều động về ngân hàng Vietinbank đảm nhiệm vị trí quan trọng khác.

Theo tìm hiểu, trước khi được giao nhiệm vụ là Chủ tịch Ngân hàng SCB, ông Phan Đình Điền từ có 30 năm công tác tại ngân hàng này và từng đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng Thành viên Agribank, Giám đốc Trung tâm phê duyệt tín dụng Agribank tại TP HCM, Giám đốc chi nhánh trung tâm Sài Gòn.

NHNN cho hay, ông Phan Đình Điền trong suốt quá trình công tác luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm cao và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có năng lực quản trị điều hành, đặc biệt là có nhiều kinh nghiệm xử lý nợ.

Vụ SCB làm ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường tiền tệ

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB cảm ơn Ban lãnh đạo NHNN tin tưởng giao nhiệm vụ và mong muốn được phối hợp với tập thể SCB để tiếp tục cụ thể hóa các định hướng của Chính phủ và triển khai các nhiệm vụ của NHNN. Đồng thời, SCB phối hợp với các ngân hàng thương mại và các cơ quan có liên quan để nhanh chóng đưa SCB hoạt động như các ngân hàng thương mại khác góp phần tạo lập thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam an toàn lành mạnh.

Sau hơn một năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của NHNN, Bộ, ngành và các cơ quan của TP.Hồ Chí Minh tích cực triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền. Đến nay, hoạt động của ngân hàng này đang dần ổn định, từng bước xử lý khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu.

Tại Diễn đàn phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, các vấn đề bất cập tích tụ qua nhiều năm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán đã bộc lộ rõ hơn sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngân hàng SCB phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt… đã ảnh hưởng trực tiếp và tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây ra nguy cơ rủi ro hệ thống không nhỏ cho nền kinh tế vừa mới phục hồi vẫn còn mong manh.

Dù nền kinh tế nước ta đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất nhưng theo ông Thắng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng những khó khăn không thể khắc phục chỉ  trong ngày một ngày hai. Thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng; ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là nguy cơ lạm phát gia tăng vào cuối năm; nguy cơ đổ vỡ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản chưa thể loại trừ…

Qua đó, ông Thắng đề nghị các nhà khoa học thảo luận, đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước. Cùng với đó, cần đẩy nhanh sự hồi phục của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản để tạo tín hiệu tích cực, xây dựng lại niềm tin giúp tăng tiêu dùng và đầu tư.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6864688770257487/?