Bích Ngọc ·
34 tuần trước
 12168

SCB liên tục giải thể phòng giao dịch, khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng này sẽ ra sao?

Gần đây, thông tin SCB liên tiếp thông báo chấm dứt hoạt động và giải thể nhiều phòng giao dịch cùng với những thông tin tiêu cực trước đó đã khiến những khách hàng của ngân hàng này có phần lo lắng.

Thông báo chấm dứt hoạt động và giải thể nhiều phòng giao dịch

Có thể thấy, gần đây SCB liên tục có thông báo chấm dứt hoạt động các phòng giao dịch tại TP.HCM.

Vào ngày 25/8 nhà băng này đã có thông báo rằng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) Chi nhánh Tân Định đã chính thức chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Thanh Đa trực thuộc chi nhánh. 

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Đây là quyết định được đưa ra dựa trên Công văn của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM về việc chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Thanh Đa của SCB, căn cứ theo Quyết định số 61 của Hội đồng quản trị SCB.

Tuy vậy, những khách hàng gửi tiền trong ngân hàng này không cần quá lo lắng bởi vì mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng tại phòng giao dịch này vẫn sẽ được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại những điểm giao dịch khác của SCB.

Đây không phải phòng giao dịch đầu tiên của ngân hàng này bị giải thể, trước đó có 3 phòng giao dịch tại TP.HCM cũng đã phải chấm dứt hoạt động, bao gồm: Phòng giao dịch An Đông Plaza, Phòng giao dịch Trần Quang Khải và Phòng giao dịch Minh Khai.

Đầu tháng 7 năm nay, SCB chấm dứt hoạt động và giải thể 3 phòng giao dịch tại TP.HCM. Được biết, căn cứ theo các công văn của Ngân hàng Nhà nước ngày 31/5/2023, ngân hàng này đã chấm dứt hoạt động và giải thể các phòng giao dịch gồm: Bàu Cát – chi nhánh Thống Nhất (chấm dứt hoạt động từ ngày 30/6), phòng giao dịch Nhà Rồng – chi nhánh Sài Gòn (chấm dứt hoạt động từ ngày 30/6) và Cô Giang – chi nhánh Cống Quỳnh (chấm dứt hoạt động từ ngày 7/7).

Những trái chủ “bất đắc dĩ” và lùm xùm liên quan đến bảo hiểm

Có lẽ những thông tin tiêu cực về ngân hàng này đã khiến cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng không mấy suôn sẻ. Đặc biệt là khi niềm tin của nhiều khách hàng đã không còn khi người dân đến ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng nhiều người đã nói bị “hô biến” thành chứng chỉ quỹ, trái phiếu, bảo hiểm. Những lùm xùm liên quan đến SCB đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Đối với một ngân hàng thì có lẽ chất lượng và uy tín để lên hàng đầu. Trong khi các ngân hàng khác đang nghĩ mọi cách để lấy được niềm tin của khách hàng thì SCB lại làm “phật lòng” rất nhiều khách hàng. Trong đó có những khách hàng được gọi là “khách hàng VIP”.

Gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi là hình thức truyền thống dành cho những ai thích sự an toàn còn đầu tư là dành cho những ai thích sự mạo hiểm, chấp nhận sẽ có rủi ro. 

Hiện nay có rất nhiều kênh để đầu tư và trái phiếu là một trong những kênh đầu tư để khách hàng lựa chọn. Sẽ không có chuyện gì để nói nếu mục đích ban đầu của khách hàng là đến ngân hàng để đầu tư trái phiếu. 

Theo nhiều khách hàng của SCB, mục đích của họ là đến SCB để gửi tiết kiệm nhưng nhân viên ngân hàng sau đó đã tư vấn sai thông tin khiến cho khách hàng từ đến để gửi tiết kiệm thành lại thành “trái chủ bất đắc dĩ”.

Các khách hàng này được nhân viên SCB tư vấn đây là 'sản phẩm tiết kiệm linh hoạt 31 ngày' chứ không giải thích cho khách hàng thế nào là 'trái phiếu' và 'trái chủ'. Đồng thời cũng nói cho khách hàng biết là họ có thể gặp rủi ro khi mua trái phiếu mà chỉ tập chung tư vấn về lãi suất.

Thế nhưng thực chất hợp đồng mà những khách hàng này đặt bút kí không phải là sản phẩm tiết kiệm lãi suất cao như nhân viên tư vấn, thậm chí đây cũng không phải trái phiếu do chính ngân hàng phát hành mà chỉ là trái phiếu mà ngân hàng phân phối cho các doanh nghiệp, SCB chỉ là bên môi giới. Thế nhưng nhiều khách hàng cho biết, nếu họ muốn mua trái phiếu thì đến hẳn doanh nghiệp phát hành để mua chứ đến ngân hàng mua làm gì?

Cần biết rằng trái phiếu có nhiều loại, trong đó có trái phiếu do chính ngân hàng phát hành để tăng vốn, trái phiếu này khá an toàn, hiện nay các ngân hàng đang tích cực mua lại trái phiếu do chính ngân hàng đó phát hành. Tuy nhiên, vẫn còn một loại trái phiếu khác do ngân hàng phân phối cho các doanh nghiệp. Có thể hiểu, ngân hàng lúc này chỉ là bên môi giới và không chịu trách nhiệm với việc hoàn tiền nếu các sản phẩm tài chính xảy ra những vấn đề không thể đoán định (chẳng hạn doanh nghiệp vỡ nợ không đủ khả năng trả lãi trái phiếu).

Vào tháng 10 năm ngoái, Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công An có thông tin quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc phát hành mua bán trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Sau khi sự việc xảy ra, khách hàng của SCB đã kéo đi rút tiền. Khi đó SCB lên tiếng rằng ngân hàng không có cổ đông là Công ty An Đông và tại SCB bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành. Vì vậy, vụ việc bà Trương Mỹ Lan không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB. Tuy nhiên, sự thật là về mảng tài chính, Vạn Thịnh Phát có mối liên hệ mật thiết với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Tại sao khách hàng mua trái phiếu tại SCB lại không gọi đó là “trái phiếu An Đông” hay “trái phiếu Tân Việt” mà họ gọi đó là trái phiếu SCB? Họ nói họ không biết Vạn Thịnh Phát, không biết An Đông cũng không biết Tân Việt, vì chỉ được nhân viên tư vấn đó là gói tiết kiệm linh hoạt, đây là sản phẩm của SCB có lãi suất cao và họ không được tư vấn gì về trái phiếu hay về công ty An Đông.

Những sự việc liên quan đến trái phiếu đã khiến SCB lao đao, phải nói lúc đó, đây là ngân hàng nằm trong “tâm bão” trái phiếu. Thế nhưng không chỉ dừng lại ở đấy, ngân hàng này lại bị khách hàng tố cáo “hô biến” tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm.

Ảnh mnih họa. Nguồn ảnh: Internet.

Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khi đó đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo. Trong đó, một số người nộp đơn tố cáo cho hay, khi tới SCB gửi tiết kiệm, họ được tư vấn đầu tư gói "Tâm an đầu tư" và được cam kết sẽ sinh lợi nhuận cao, sau đó lại phát hiện đây là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hoàn toàn không phải hợp đồng gửi tiết kiệm.

Trước khi có những sự việc trên xảy ra, ai khi đến ngân hàng cũng sẽ có niềm tin đối với ngân hàng, với nhân viên ngân hàng. Không ai nghĩ một nhân viên ngân hàng được đào tạo qua trường lớp, cũng là ước mơ của bao người lại vì lợi ích cá nhân mà làm trái với đạo đức nghề nghiệp. Nước ta có bao nhiêu ngân hàng nhưng họ đã chọn tin tưởng SCB và cuối cùng lại phải “kêu khóc” đòi lại tiền trong vô vọng. 

Một ngân hàng liên tiếp nhận có những thông tin tiêu cực thì liệu có còn đáng tin tưởng để khách hàng lựa chọn gửi tiền, đặc biệt là khi nhìn thấy cảnh tượng “kêu gào” đòi lại tiền những “nạn nhân” trước đó. Khách hàng cần tìm hiểu thật kĩ ngân hàng mà mình sẽ "gửi gắm" niềm tin, trước khi đặt bút kí vào hợp đồng cần đọc thật kĩ các điều khoản trong đó.

Sau sự cố rút tiền hàng loạt ở SCB, ngân hàng này đã bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt". Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, những khoản tiền gửi của người dân tại SCB đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp. Đơn vị này cũng cho biết sẽ lựa chọn, chỉ định những nhân sự có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại Nhà nước để tham gia quản trị, điều hành ngân SCB. 

Theo Tạ Ngọc - Mạnh Quân/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6774549399271425/?