Tại hội nghị, các đại biểu làm rõ các vấn đề liên quan tới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy định về đền bù, thu hồi đất và tính giá đất vốn đang còn nhiều ý kiến khác nhau.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện đang có trên 1.000 dự án vướng mắc. Trong đó phần lớn liên quan tới việc chưa được phê duyệt giá đất. Trong khi đó theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), điều 153 quy định về nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất vẫn còn chưa cụ thể, nhất là trong bối cảnh thiếu dữ liệu về giá đất thị trường như hiện nay, việc xây dựng bảng giá đất hàng năm là điều không đơn giản.
"Các cơ quan quyết định giá này là các cơ quan quản lý nhà nước nên chúng tôi cho rằng, nếu để các cơ quan quản lý nhà nước tham gia trong quá trình duyệt giá thì khó thực thi và vẫn có kẽ hở để sai phạm. Theo tôi, giá đất nên để cơ quan độc lập chịu trách nhiệm", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu quan điểm.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Chúng tôi làm ở một tỉnh dự án trước giá đất là 11,5 triệu, ở bên cạnh họ bảo an toàn nhất cho lên 15,5 triệu, đó là cách suy nghĩ hiện nay đang diễn ra. Hoặc là im lặng không làm gì, hoặc là đưa thật cao và như vậy làm gì có điều phối của thị trường một cách hợp lý nữa", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch CP. Invest, cho hay.
Liên quan tới nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các ý kiến cho rằng cần phải quy định rõ khi nào được điều chỉnh quy hoạch để tránh tình trạng lợi dụng điều chỉnh quy hoạch nhằm trục lợi, gây mất lòng tin của nhân dân.
"Trong điều chỉnh có điều chỉnh định kỳ, nhưng có điều chỉnh cục bộ. Khi nào được cục bộ? Hiện tượng vừa qua lạm dụng quyền hạn, chính vì điều chỉnh cục bộ chứ không phải điều chỉnh định kỳ nên tôi đề nghị trong dự thảo lần này cần nói rõ hơn khi nào thực hiện điều chỉnh cục bộ, điều kiện để thực hiện cục bộ", ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nêu ý kiến.
Tại hội nghị, nhiều vấn đề khác cũng được đưa ra, như việc quy định đất dịch vụ thương mại cho thuê trả tiền hàng năm sẽ khiến khách hàng không muốn mua các bất động sản du lịch, hay các cơ sở di dời tại Hà Nội hiện không chuyển đổi được sang mục đích khác do chồng chéo giữa các luật cũng được góp ý chỉnh sửa trong dự thảo luật.
Nhiều ý kiến đóng góp vào dự Luật Đất đai (sửa đổi)
Như vậy sau thời điểm ngày hôm nay (15/3), ngày cuối cùng lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các ý kiến sẽ được các cơ quan, địa phương tổ chức lấy ý kiến gửi báo cáo về Bộ Tài Nguyên và Môi trường để tổng hợp, chỉnh lý, từ đó hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong tháng 4 và Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp tháng 5.
Tính đến hôm nay, đã có hơn 8.000 lượt ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến nhân dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì và phối hợp tổ chức 12 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo luật. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 27 tỉnh, thành phố cũng đã thu nhận được hơn 10.264 ý kiến.
Trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, qua sàng lọc sơ lược, hơn 2.000 góp ý có chất lượng đang được tổng hợp gửi đến ban soạn thảo.
Các ý kiến của nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đóng góp vào dự thảo luật tập trung vào các nhóm vấn đề như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện, các địa phương đang trong quá trình tổng hợp ý kiến nhân dân gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến trước ngày 20/3 tới đây.