Tạ Nhị ·
1 năm trước
 5897

Sửa quy định về nhân lực ngành đăng kiểm

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới do Bộ GTVT đang sửa đổi một số nội dung về điều kiện nhân lực của đơn vị đăng kiểm.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, tham gia ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Về điều kiện của đăng kiểm viên, dự thảo quy định: có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ GTVT quy định.

Mỗi đơn vị có tối thiểu các bộ phận: Ban lãnh đạo, bộ phận văn phòng, bộ phận kiểm định. Nhân lực của đơn vị đăng kiểm, gồm: Lãnh đạo đơn vị, phụ trách dây chuyền kiểm định, đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ.

Trong đó, có tối thiểu 1 lãnh đạo đơn vị có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định; có tối thiểu 1 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao phụ trách dây chuyền kiểm định; mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định.

So với quy định hiện hành mỗi dây chuyền đăng kiểm tối thiểu có 3 đăng kiểm viên và tối thiểu có 1 đăng kiểm viên bậc cao, số đăng kiểm viên trên một dây chuyền đã giảm đi, qua đó giúp tận dụng tối đa nguồn nhân lực để vận hành các dây chuyền kiểm định tại trung tâm đăng kiểm

Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao phải có trình độ chuyên môn Tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí, trong chương trình đào tạo đại học phải có đầy đủ các nội dung sau: Lý thuyết ô tô, cấu tạo ô tô, Kết cấu tính toán ô tô, bảo dưỡng kỹ thuật ô tô, động cơ đốt trong và điện ô tô hoặc các nội dung tương đương; là đăng kiểm viên xe cơ giới có kinh nghiệm tối thiểu 36 tháng.

Ngoài ra, việc bổ sung điều kiện về tổ chức đối với đơn vị đăng kiểm nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ về bộ máy trong hoạt động của đơn vị đăng kiểm.

Về điều kiện của đăng kiểm viên, dự thảo quy định: Có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ GTVT quy định.

Trường hợp học viên đã có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định số 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô), dự thảo nêu rõ: Nếu có tổng thời gian làm việc cộng dồn từ 12 - 24 tháng, thời gian thực tập là 6 tháng; tổng thời gian làm việc cộng dồn trên 24 tháng, thời gian thực tập là 3 tháng (có xác nhận của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô).

Ban soạn thảo cho biết đối với những người có kinh nghiệm trực tiếp làm công tác bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, chỉ cần thực tập thêm về nghiệp vụ đăng kiểm. Do vậy, thời gian thực tập được rút ngắn mà vẫn đảm bảo và đáp ứng được đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong trường hợp "Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án" được sửa đổi thành "Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới”.

Lý do được Ban soạn thảo đưa ra là việc quy định bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới phù hợp với nguyên tắc áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại Bộ luật Hình sự. Theo đó, đăng kiểm viên vi phạm các tội thuộc lĩnh vực khác mà chỉ bị cải tạo không giam giữ thì vẫn có thể làm đăng kiểm viên.

Dự thảo Nghị định còn bổ sung quy định về điều kiện đối với lãnh đạo đơn vị đăng kiểm được phân công ký giấy chứng nhận kiểm định

Cụ thể: "Được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm định xe cơ giới tại đơn vị; phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng". Quy định này nhằm tách rõ lãnh đạo đơn vị ký giấy chứng nhận đăng kiểm và không ký giấy đăng kiểm

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định cũng bãi bỏ quy định giới hạn năng suất kiểm định với mục đích tạo điều kiện cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cải tiến quy trình kiểm định nhằm không ngừng nâng cao năng suất lao động và phù hợp với năng lực, trình độ, kỹ năng của từng đăng kiểm viên và đơn vị đăng kiểm.

Trong trường hợp cấp bách (khi hệ thống các đơn vị đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp, gây ùn tắc nghiêm trọng) có thể huy động sự hỗ trợ của các cơ sở kiểm định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đang thực hiện kiểm định xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh tham gia thực hiện kiểm định xe cơ giới sử dụng vào mục đích dân sự, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề xuất một số nội dung liên quan đến nguồn nhân lực đăng kiểm là cơ quan soạn thảo đề xuất cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí, có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, có thời gian thực tập nghiệp vụ được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên.

Quy định hiện hành bắt buộc đăng kiểm viên có trình độ chuyên môn đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí. Đăng kiểm là ngành nghề kỹ thuật, những người làm kỹ thuật có tay nghề cũng có thể trở thành đăng kiểm viên, không nhất thiết có bằng đại học, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn nhận.

Với những quy định mới sẽ mở rộng các đối tượng được tham gia cung ứng dịch vụ kiểm định xe cơ giới (các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, kinh doanh dịch vụ vận tải…) nhằm thu hút tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học tham gia công tác kiểm định xe cơ giới.