Minh Phương ·
3 năm trước
 2307

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới vừa tách ra khỏi Nam Cực

Nhưng yên tâm là điều này sẽ không làm tăng mực nước biển, vì nó là một phần của thềm băng nổi. Điều này tương tự như một viên đá lạnh tan trong ly nước, nó không làm tăng lượng đồ uống trong ly.

Ngày 19/5, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết tảng băng trôi tách ra khỏi thềm băng Ronne ở Nam Cực và đang trôi nổi trên biển Weddell. Nó có hình dáng tựa như 1 tấm bàn ủi đồ khổng lồ, dài khoảng 170 km và rộng 25 km. Theo ESA, với kích thước này, tảng băng còn lớn hơn hòn đảo Majorca của Tây Ban Nha.

Sự ra đời của những tảng băng trôi là một phần của chu kỳ tự nhiên vì những khối băng khổng lồ vỡ ra khỏi thềm băng trong những khoảng thời gian đều đặn. Các nhà khoa học không cho rằng vấn đề này do biến đổi khí hậu gây ra. Thay vào đó họ tin rằng đây là một phần chu kỳ tự nhiên của băng trôi trong khu vực.

tảng băng trôi lớn nhất thế giới

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới vừa tách ra khỏi Nam Cực. (Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu)

Sau khi tan ra, tảng băng trôi khổng lồ sẽ không dẫn đến hiện tượng tăng mực nước biển bởi vì nó là một phần của thềm băng nổi. Điều này tương tự như 1 cục đá lạnh đang tan không làm tăng lượng đồ uống trong ly.

Điều đó làm cho các tảng băng trôi như thế này khác với các sông băng hoặc dải băng, vốn làm tăng mực nước biển, được tìm thấy trên đất liền.

Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu toàn bộ băng của Nam Cực tan chảy, nó có thể làm mực nước biển dâng lên hơn 57 m.

ESA cho biết tảng băng trên lần đầu tiên được Keith Makinson, một nhà hải dương học vùng cực của Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh phát hiện vào tuần trước và được Trung tâm Băng Quốc gia Mỹ xác nhận bằng hình ảnh Copernicus Sentinel-1.

Tên gọi chính thức của khối băng khổng lồ là A-76 được đặt dựa trên cơ sở khoa học. Theo quy định, ESA đặt tên các tảng băng theo góc phần tư Nam Cực mà ban đầu chúng được phát điện, sau đó là một số thứ tự.

Năm 2020, các dòng hải lưu đã cuốn trôi tảng băng A-68A, lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, từ Nam Cực đến bờ biển đảo Nam Georgia. Nhiều nhà khoa học lo ngại rằng tảng băng này sẽ va chạm với một hòn đảo vốn là nơi sinh sản của các loài sư tử biển và chim cánh cụt. Tuy nhiên, tảng băng đã vỡ thành nhiều mảnh nhỏ.

Theo một nghiên cứu do 84 nhà khoa học từ 15 quốc gia thực hiện được công bố trên tạp chí Nature hồi đầu tháng 5, mực nước biển trung bình đã tăng khoảng 23 cm kể từ năm 1880. Một phần tư mức tăng đó là do băng tan từ các tảng băng ở Greenland, Nam Cực và một số nơi khác.

Các nhà khoa học cũng cho rằng mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu được nhiều quốc đặt ra gần đây không đủ để ngăn mực nước biển dâng. Trên thực tế, các sông băng thu hẹp, nhiều tảng băng tan sẽ vẫn làm mực nước biển dâng cao gấp đôi nếu các quốc gia chỉ thực hiện các cam kết theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.