Thành Phong ·
2 năm trước
 3714

Tăng cường bảo vệ môi trường và cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới

Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước. Do đó, cần thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống bền vững.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Chương trình đặt mục tiêu chung là thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Đáng chú ý, chất thải phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, khuyến khích quản lý tổng hợp chất thải theo toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng theo hướng kinh tế tuần hoàn, khép kín.

100% chất thải rắn các làng nghề được xử lý theo quy định

Chương trình phấn đấu tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.

Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp. 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả.

Đầu tư một số mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước. (Ảnh minh họa)

Chương trình phấn đấu ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; có 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.

100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ít nhất 85% hộ gia đình nông thôn và 95% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch

Về cấp nước sạch nông thôn, Chương trình sẽ hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có; xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước.

Đối với chất thải rắn sinh hoạt, tổ chức mạng lưới thu gom triệt để và hiệu quả; xây dựng, triển khai và hoàn thiện mô hình liên kết thị trường để thu hồi, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ chất thải; hỗ trợ đầu tư xây dựng từ 01 - 02 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện hoặc liên huyện, áp dụng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chương trình xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp.

Về bảo vệ môi trường làng nghề, Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng; xử lý ô nhiễm các khu vực làng nghề đã bị ô nhiễm nghiêm trọng sau khi di dời cơ sở sản xuất…

Trước đó, Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày đến năm 2030. 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân.

Chiến lược phấn đấu 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nếu không có ý thức bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước hợp lý, có trách nhiệm thì sẽ dẫn đến thiếu nước. Cũng như khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, đến một thời gian nhất định, chúng ta sẽ phải đi mua nước. Nước có tầm quan trọng trong mọi mặt của đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Do đó, cần phải xây dựng chiến lược khai thác nguồn nước hài hòa với nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Triển khai các giải pháp bổ sung nguồn nước mặt thay thế cho nước ngầm, phục vụ sinh hoạt, sản xuất vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng. Tôi cũng nhấn mạnh việc phải sử dụng nước tuần hoàn, ví dụ nước sinh hoạt tái tạo để tiếp tục sử dụng cho lĩnh vực khác.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện mỗi năm, có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Điều rất đáng lo ngại là, trên thực tế vẫn còn một bộ phận dân cư bất chấp những con số báo động đỏ này.

Báo cáo gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn. Vì những lý do đó, WHO xếp Việt Nam vào số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn. 

Nguồn: kinh tế Môi trường