Hà Khuê ·
3 năm trước
 1594

Tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nylon sẽ là giải pháp tốt để giảm rác thải nhựa?

Nếu giá túi nylon phải bán cao gấp ít nhất 4 - 5 lần hiện nay, liệu mọi người có còn sử dụng nhiều như hiện nay? Áp thuế cho túi nylon có phải là một giải pháp tốt cho việc giảm thiểu rác thải nhựa hay không?

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2018, Việt Nam xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao do rác thải nhựa. 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.

Theo thống kê, lượng túi nylon mỗi hộ gia đình tiêu thụ trung bình khoảng 1kg túi nylon/tháng. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon thải ra môi trường. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi nylon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Nếu tính chỉ số sản phẩm nhựa trên đầu người, đến nay là trên 41kg/người/năm, trong khi chỉ số này năm 1990 là 3,8kg/người/năm.

túi nilon

Hình ảnh minh họa

Thực tế, việc người dân sử dụng túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần hiện vẫn còn khá phổ biến, thậm chí nhiều người rất thích dùng túi nylon vì tiện lợi, đáp ứng công năng bao gói, chứa đựng hàng hóa và giá thành sản xuất rẻ. 

Được biết, túi nylon có nhiều loại cỡ từ 0,5kg, 2kg đến 5kg đều có giá bán từ 27.000 - 35.000đ/kg tùy từng chất lượng túi. Về số lượng, loại túi 5kg thì được khoảng 150 - 200 cái/kg, còn loại 2kg sẽ được 300 - 350 cái/kg. Tại Hà Nội, trong một số siêu thị lớn, với túi nylon đựng rác sẽ có giá từ 43.000 - 100.000đ/kg; còn túi nylon bọc thực phẩm sẽ có giá 80.000 - 140.000đ/kg.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết: “Cần tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ đó làm thay đổi thói quen sử dụng của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, tại các cửa hàng, thay vì phát miễn phí túi đựng hàng hóa mua về thì yêu cầu người dân phải mua túi để thay đổi thói quen mua bán”, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, rác thải nhựa đang gia tăng không ngừng và hiện hữu mối hiểm họa khôn lường với môi trường sống. Việc đánh thuế bảo vệ môi trường túi nylon không phải chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng.

“Mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nylon là 50.000đ/kg trong khi giá bán sản phẩm này trên thị trường chỉ 20.000 - 30.000đ/kg, rõ ràng là có vấn đề. Chả ai kinh doanh mà để tiền bán ra thấp hơn tiền thuế cả. Thực tế, nếu giá bán túi nylon thấp hơn giá thuế thì chắc chắn có vấn đề hoặc túi đó là sản xuất lậu. Ở đây cần phải quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý cụ thể là trách nhiệm của người đứng đầu quản lý thị trường”, ông Thịnh cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia này, nếu tính đúng, đủ và giám sát chặt chẽ doanh thu của cơ sở sản xuất kinh doanh túi nylon, nhất là các hộ thuế khoán, chắc chắn giá túi nylon phải bán cao gấp ít nhất 4 - 5 lần hiện nay.

Bởi ngoài thuế bảo vệ môi trường 50.000đ/kg, một ký túi nylon còn bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí nguyên liệu, máy móc, nhân công, mặt bằng, điện, nước, vận chuyển, vốn... Vì thế, để kiểm soát và ngăn chặn được việc này cần bài toán quyết liệt và lâu dài.

Nguồn: