Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2023 đã kết thúc đầu tuần này. Đây là một kênh đối ngoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và được duy trì từ 25 năm nay.
Lần này thông điệp phát triển, tăng trưởng bền vững thêm một lần nữa được Việt Nam khẳng định mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp và đối tác quốc tế.
Thông điệp Việt Nam không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá chạy theo tăng trưởng đơn thuần được nhiều tờ báo, trong đó có tờ Thời báo Ngân hàng chọn làm nhan đề bài viết ngay trên trang nhất.
Trong bối cảnh Việt Nam chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh, phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, chủ đề của diễn đàn rất thiết thực, nhất là khi Việt Nam xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn.
Nhiều tờ báo đã dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phát biểu tại diễn đàn nhấn mạnh: "Tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Việt Nam không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá và thiếu bền vững".
Việt Nam xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần có lộ trình phù hợp cho tăng trưởng xanh, tránh tình trạng tăng trưởng trước, dọn dẹp sau, bởi bài học kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy việc dọn dẹp hậu quả của tăng trưởng nóng không chỉ là những khoản chi phí khổng lồ, mà còn ảnh hưởng tới tương lai cũng như cơ hội của nhiều thế hệ.
Hiện nay mức độ hiểu biết, quy định môi trường, mức độ đầu tư cho đổi mới thực hành xanh của doanh nghiệp Việt Nam mới ở mức độ khởi đầu. Mức độ tuân thủ quy định môi trường của nhiều doanh nghiệp chưa cao do khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó chi phí đầu tư cho sản xuất xanh là rất lớn.
Tờ Diễn đàn Doanh nghiệp dẫn số liệu khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy có tới 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường. Từ thực tế này Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách về tăng trưởng xanh. Còn chính sách khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường, kinh doanh xanh.
Theo báo Công Thương, các mục tiêu nhấn mạnh giảm từ 25 - 30% tổng phát thải nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường của lĩnh vực năng lượng không bao gồm giao thông vận tải, cùng với đó thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại nhằm mục tiêu giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên liệu của những ngành sản xuất như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia, nước giải khát, giấy. Đây là những đòi hỏi rất cao ngành công thương cần thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần tạo dựng không gian cho phát triển đất nước.
Tăng trưởng xanh là tất yếu. Bài toán đặt ra lúc này là phải khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên trên nền tảng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đây là trách nhiệm của các chủ thể khác nhau, nhất là cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện.