Nhân dịp Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2023), đoàn đại biểu Tạp chí Kinh tế Môi trường do PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên đoàn Chủ tịch VUSTA, Tổng Biên tập làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tại Khu lưu niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Khu di tích lưu niệm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ được xây dựng tại làng Phù Khê, xã Phù Khê, TP.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, ngay chính trên khu vực nhà ở xưa của gia đình, bao gồm nhà lưu niệm và khu trưng bày.
Đoàn đại biểu Tạp chí Kinh tế Môi trường do PGS.TS Trương Mạnh Tiến -Tổng Biên tập tạp chí làm trưởng đoàn tại buổi dâng hương trong Khu lưu niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Nhà lưu niệm là công trình phục dựng lại ngôi nhà xưa theo nguyên mẫu trên nền đất cũ, gồm nhà chính 5 gian, nhà bếp, cổng, sân vườn và tường rào tre. Kết cấu nhà cùng các đồ trang trí, vật dụng thật đơn sơ: Khung tre, mái lợp rạ, ba gian ngoài để thờ tự, tiếp khách và nơi cụ Đồ Quán - thân phụ đồng chí cố Nguyễn Văn Cừ dạy học; chính giữa treo biển hoành phi với hai chữ "Trí thành" của chính cụ Đồ Quán và quang treo sách. Hai gian bên là nơi ở của bà Đồ Quán - tức cụ Nguyễn Thị Khuyến - con gái cụ Tú Ba bên Cẩm Giang, cách Phù Khê khoảng 2km.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình trí thức nghèo thuộc dòng họ Nguyễn Trãi, tại làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê, TP.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Đảng năm 1929 và trở thành Tổng Bí thư của Đảng vào tháng 3/1938 khi mới 26 tuổi. Đồng chí có nhiều cống hiến xuất sắc cho Đảng và cách mạnh về xây dựng phong trào, phương pháp đấu tranh cách mạng, đặc biệt với tác phẩm “Tự chỉ trích," đấu tranh bảo vệ quan điểm đúng đắn của Chủ nghĩa Mác-Lenin, xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng có giá trị lý luận, thực tiễn to lớn.
Đoàn đã dâng hương và lắng nghe những chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ từ đại diện ban quản lý di tích.
Tác phẩm “Tự chỉ trích” thể hiện tính minh triết trong tư duy chính trị của một lãnh tụ trẻ tuổi có chiều sâu trong tư duy; phản ánh sự sáng suốt của một tài năng lỗi lạc, dấu ấn đặc biệt của một người cộng sản dù mới chỉ được học tập lý luận chủ yếu trong lao tù đế quốc, nhưng bằng những hoạt động thực tiễn của mình đã khái quát được những vấn đề lý luận cách mạng hết sức sâu sắc, mang tính thời đại và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Đây cũng là sự đóng góp vô cùng to lớn của Đảng ta trong việc làm giàu hơn kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin từ sự đúc kết thực tế của phong trào cách mạng Việt Nam.
Nhà lưu niệm là công trình phục dựng lại ngôi nhà xưa theo nguyên mẫu trên nền đất cũ, gồm nhà chính 5 gian, nhà bếp, cổng, sân vườn và tường rào tre, nơi gắn bó những năm tháng tuổi thơ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, tuy tuổi đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng và nhân dân ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, niềm tin mãnh liệt ở lý tưởng cách mạng cao đẹp...
Sau lễ dâng hương, đoàn đại biểu Tạp chí Kinh tế Môi trường đã thăm quan Khu trưng bày tư liệu, hiện vật, Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nơi gắn bó những năm tháng tuổi thơ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, tại xã Phù Khê.
Được biết, Khu di tích lưu niệm về đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - cách mạng Quốc gia năm 1989.