Ngọc Lan ·
21 tuần trước
 9866

Thanh Hóa: Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi lợn khiến người dân bức xúc

Thời gian qua, người dân thôn Xịa, xã Điền Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) rất bức xúc bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ hàng chục hộ dân chăn nuôi lợn khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.

Mô hình chăn nuôi lợn hộ gia đình hiện đang góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại các vùng nông thôn, cũng qua đây giúp họ tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, nhằm cải thiện mức sống. Chăn nuôi lợn theo mô hình hộ gia đình còn góp phần tích cực vào việc giảm nghèo và phát triển toàn diện kinh tế địa phương. Tuy nhiên, để việc chăn nuôi lợn được ổn định và phát triển bền vững thì ngoài việc đảm bảo các yếu tố, điều kiện khác, việc đảm bảo vệ sinh môi trường để bảo vệ sức khoẻ cho chính các hộ chăn nuôi và người dân xung quanh là rất quan trọng.

Mùi hôi thối nồng nặc bốc lên khi các hộ chăn nuôi bơm phân lợn để tưới cho cây trồng từ hầm biogas.

Nhận được phản ánh của người dân thôn Xịa, xã Điền Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) về việc hàng chục hộ chăn nuôi lợn cùng thôn, trong quá trình chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống hàng ngày của họ, phóng viên đã tiến hành xác minh, tìm hiểu thực tế.

Qua tìm hiểu cho thấy, tại thôn Xịa hiện có không ít hộ dân đang thực hiện việc chăn nuôi lợn theo mô hình hộ gia đình với quy mô trung bình khoảng từ 20 – 30 con/hộ, trong đó có cả lợn thịt và lợn nái sinh sản. Mặc dù các hộ chăn nuôi này đã tiến hành xây dựng hầm biogas để xử lý phân, tuy nhiên mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc, đặc biệt vào những thời điểm khi các hộ gia đình thực hiện việc rửa chuồng trại chăn nuôi và tưới phân lợn từ hầm biogas ra các khu vực trồng trọt xung quanh. Không những thế, hệ thống chuồng trại nhiều hộ còn nằm rất gần với khu vực sinh hoạt của gia đình, cá biệt, có hộ chăn nuôi còn tận dụng cả khu nhà trước đó vốn là nơi sinh hoạt của gia đình mình để cải tạo thành chuồng trại chăn nuôi lợn.

Một trong những hộ gia đình chăn nuôi kể trên đã xây dựng đường ống để xả thải ra con mương nằm cạnh chuồng nuôi.

Hộ gia đình anh Thu Hào cùng thôn Xịa cho biết: “Xung quanh đây rất ô nhiễm, không chỉ lúc họ dùng phân lợn tưới vườn, mà bình thường cũng rất thối. Có hộ gia đình nuôi nhiều, nước phân (nước rửa chuồng trại) chảy không kịp nên chảy tràn lan ra. Chúng tôi cũng muốn kiến nghị lên trên xem có biện pháp gì không? Người dân muốn phải dừng ngay, nếu không có biện pháp, không có thuốc, chúng tôi sẽ làm đơn lên trên để can thiệp, chứ dân cư không ở nổi”.

Hộ gia đình anh Việt người dân cùng thôn nằm sát cạnh 2 hộ chăn nuôi lợn (ông Lê Văn Dũng và Tào Văn Mạnh) cũng cho biết: “Mùi hôi thối diễn ra thường xuyên, mỗi ngày 2 lần họ xả, rửa chuồng làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình. Có hôm họ còn xả ra cả ngoài mương. Có lần tôi đã sang tận gia đình họ để trao đổi về việc chăn nuôi thì không có cấm nhưng phải giữ vệ sinh cho bà con trong làng. Rất mong các cơ quan chức năng can thiệp giúp bà con”.

Cá biệt, có hộ nuôi lợn còn tận dụng cả khu nhà trước kia vốn là nơi sinh hoạt của gia đình để cải tạo làm chuồng trại chăn nuôi.

Cũng trong tâm trạng bức xúc như những hộ dân khác, hộ gia đình ông Nghị cho hay: “Cả mấy hộ mang phân lợn ra tưới vườn, xả phóng uế, nói đi nói lại mãi rồi! Những hôm họ tưới vườn và trở trời thì không ai dám vào khu này cả. Có chuồng nuôi cả 200 con nhưng có làm hố, bình gì đâu".

Trao đổi với Phóng viên về vấn đề này, ông Tào Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Trung cho rằng trong quá trình chăn nuôi sẽ không tránh khỏi việc bốc mùi hôi, nhất là những lúc các hộ dân rửa chuồng trại và tưới phân lợn từ hầm biogas ra vườn. Ông Tuấn cũng cho rằng thời gian gần đây do lợn được giá nên các hộ xây thêm chuồng trại và nuôi nhiều.

Trong khi đó, ông Hà Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã này cho biết thêm, hôm thứ 2, ông cùng với đồng chí Tuấn Phó Chủ tịch và anh em có xuống đi kiểm tra và giao cho cán bộ phụ trách ghi, tổng hợp lại số hộ, số con và cho họ làm cam kết.

"Sau đợt này xã sẽ mời những hộ liên quan đến chăn nuôi lên trao đổi và cử cán bộ xuống tận nới để hướng dẫn họ về cách làm và cho họ cam kết. Bên cạnh đó, xã cũng thông báo cho nhân dân làm tốt vấn đề về vệ sinh môi trường, kể cả các thôn khác nữa, trước mắt là mấy cái hộ này. Cũng mong là các anh nắm bắt thông tin, hỗ trợ xã để làm việc này cho tốt", ông Tiến nhấn mạnh.

Thực trạng là vậy, song, cho đến thời điểm này chưa có một hộ chăn nuôi nào bị UBND xã Điển Trung lập biên bản vi phạm hành chính cũng như ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bởi họ cho rằng các hộ chăn nuôi lợn tại thôn Xịa hiện đều đảm bảo về các điều kiện chăn nuôi, trong đó có vấn đề về môi trường (?).

Thiết nghĩ, các đơn vị chức năng liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra, rà soát lại các điều kiện chăn nuôi nói trên của các hộ gia đình, đặc biệt là vấn đề về môi trường, từ đó sớm có giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo sức khoẻ và cuộc sống cho người dân xung quanh, tránh để họ tiếp tục bức xúc như thời gian vừa qua.

Theo Luật chăn nuôi 2018 và Nghị định 13/2020/NĐ-CP, điều kiện chăn nuôi hộ gia đình bao gồm: Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người; không gây ô nhiễm, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người và vật nuôi; phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của cơ quan có thẩm quyền; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xử lý dịch bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; không xả thải ra môi trường hoặc xử dụng làm phân bón trái phép…

Về trách nhiệm của người chăn nuôi hộ gia định: Phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và các quy định khác có liên quan; phải bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm tiếng ồn, phát tán mùi khó chịu; chất thải từ hoạt động chăn nuôi phải được thu gom, xử lý theo quy định; phải chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định…