Diệp Anh ·
3 năm trước
 3502

Tháo dỡ hệ thống xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê trước 30-4

Ngày 27-4, ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra xử lý vi phạm nguồn xả thải gây ô nhiễm vào công trình thuỷ lợi tại P.Phong Khê, TP.Bắc Ninh.

Phường Phong Khê có 2 cụm Công nghiệp làng nghề, diện tích hơn 69 ha, khoảng 290 doanh nghiệp sản xuất giấy các loại. Trong khu vực làng nghề có 167 cơ sở sản xuất, 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh các loại. Kinh tế phát triển kéo theo sự gia tăng các nguồn và các chất gây ô nhiễm môi trường nước thải, khí thải và chất thải rắn công nghiệp.

Việc để doanh nghiệp xả nước thải gây ô nhiễm môi trường nước Sông Ngũ Huyện Khê rồi đổ thẳng nước thải ô nhiễm đó ra sông Cầu trong suốt thời gian qua không chỉ có trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề, tái chế phế liệu ở ven sông Ngũ Huyện Khê và trách nhiệm của chính quyền tỉnh Bắc Ninh mà còn có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc "nhắm mắt" cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là không đúng thực tế.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu UBND thành phố Bắc Ninh chỉ đạo tháo dỡ các hệ thống xả thải không đúng quy định ra sông Ngũ Huyện Khê trước ngày 30-4, thường xuyên kiểm tra sau khi đã thực hiện việc tháo dỡ; phối hợp công ty Bắc Đuống cắt bỏ các đường ống lấy nước mặt từ hệ thống đập Phú Lâm trước ngày 7-5; đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm về xả thải; rà soát, lập hồ sơ, xử phạt các cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không hoạt động; cắm biển hạn chế tải trọng trong khu dân cư; xử lý nghiêm các cơ sở khai thác sử dụng trái phép nước ngầm, cưỡng chế các cơ sở sản xuất xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ra quân duy trì trật tự đô thị, nghiêm cấm đổ thải không đúng nơi quy định… Công an tỉnh chịu trách nhiệm niêm phong các cơ sở sau khi có quyết định đình chỉ, nếu cơ sở cố tình vi phạm, tự ý tháo bỏ niêm phong sẽ áp dụng xử lý ở mức cao hơn. Đối với cơ sở bị đình chỉ nhiều lần, Công an tỉnh thành lập Tổ chốt chặn các phương tiện ra, vào cơ sở; cắm biển hạn chế tải trọng theo quy định trong khu dân cư. Rà soát tất cả các cơ sở không có giấy phép khai thác nước mặt, cố tình khoan trái phép để bổ sung vào hồ sơ xử lý vi phạm hành chính. Cưỡng chế, tháo dỡ và phối hợp với Công ty Điện lực ngừng cung cấp điện đối với tất cả cơ sở sản xuất xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng ý triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát các hành vi vi phạm về môi trường tại các tuyến đường trên địa bàn phường; giao Công an tỉnh thành lập Tổ công tác thường xuyên xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường; lập chuyên án xử lý nghiêm, ở mức cao nhất đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thu hồi giấy phép đánh giá tác động môi trường đối với tất cả cơ sở không đầu tư hệ thống xử lý môi trường theo quy định, hoàn thành chậm nhất ngày 30-5; dừng tiếp nhận và thẩm định hồ sơ xin thẩm định cấp phép đánh giá tác động môi trường. Sở Nông nghiệp và PTNT dừng tiếp nhận và thẩm định hồ sơ cấp phép sử dụng nước mặt trên sông Ngũ Huyện Khê. Đối với các cơ sở sản xuất tại phường Phong Khê chủ động đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải, vừa bảo vệ môi trường, tạo động lực phát triển bền vững, hiệu quả.

Trước đó, chúng tôi có bài phản ánh về ô nhiễm khủng khiếp của sông Ngũ Huyện Khê, bởi sự “đầu độc” nước xả thải sản xuất từ hoạt động làng nghề Phong Khê và cụm công nghiệp Phú Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh với lưu lượng khoảng 10.000 m3/ngày đêm, trong khi đó, nhà máy xử lý nước thải chỉ có công suất 5.000 m3/ngày đêm và chưa có hệ thống đấu nối thu gom đồng bộ.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Lâm sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất xả thải gây ô nhiễm môi trường nhiều lần, song vẫn được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu phế liệu để sản xuất.

Hàng năm cũng đã có những hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập ra và của chính quyền hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh được triển khai như: quan trắc môi trường, đánh giá hiện trạng môi trường nước sông Cầu; họp bàn các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sông Cầu của các tỉnh cùng lưu vực Sông.


Tuy nhiên, kết quả vẫn không có gì khác biệt, nước sông vẫn đen ngòm và cá vẫn chết định kỳ, mà nhân dân vùng Việt Yên, Yên Dũng là nạn nhận chịu nhiều thiệt hại nhất bởi sự ô nhiễm chung này. Họ cũng đã nhiều lần kiến nghị, kêu cứu; chính quyền Bắc Giang cũng đã nhiều lần vào cuộc giải quyết, đã nhiều lần làm việc với tỉnh Bắc Ninh rồi kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo giải quyết. Song lại đâu vào đấy.

 

Nguồn