Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực BĐS, theo nguyên tắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết dứt điểm, quyết liệt.
Trên đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, diễn ra chiều 4/7.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, chiều 4/7. Ảnh: Phạm Đông
3 nhóm vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS
Về kết quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp (Tổ công tác) đã làm việc với một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Đồng Nai.
Qua làm việc, Tổ công tác đã khái quát 3 nhóm vướng mắc: Thứ nhất là các vướng mắc về thể chế, thứ hai là các vướng mắc về tổ chức thực hiện và thứ ba là khó khăn về vốn. Tổ công tác đã có khuyến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ.
Đối với các giải pháp về thể chế, trong quý II, Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản quản lý, trình Quốc hội các dự thảo sửa đổi các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS…
Giải pháp cho vấn đề triển khai tổ chức thực hiện, Tổ công tác đã nhận được khoảng 108 văn bản từ các địa phương, doanh nghiệp. Bộ Xây dựng, cơ quan thường trực của Tổ công tác, đã rà soát, chuyển các văn bản này đến UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành trực tiếp giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với giải pháp cho thị trường vốn, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt thông tư liên quan, đặc biệt là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân, trong giai đoạn 2021-2030. Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương xác định các đối tượng, danh mục và điều kiện triển khai; đồng thời tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để thúc đẩy đề án này.
Đối với các dự án cụ thể thì Tổ công tác giải quyết theo nguyên tắc, trước tiên là đôn đốc các địa phương chủ động giải quyết các vướng mắc; thứ hai là đề nghị các Bộ, ngành hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; thứ ba là phối hợp với các địa phương để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, và trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.
Đối với các dự án lớn, phức tạp, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp. Ví dụ như tại Đồng Nai, Tổ công tác đã rà soát 7 dự án BĐS lớn, trong đó có dự án của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh, và cũng đã xác định được các khó khăn, vướng mắc, như không phù hợp quy hoạch, không bố trí 20% diện tích đất cho nhà ở xã hội. Những nội dung này Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thống nhất các phương án tháo gỡ để sớm triển khai trong thời gian tới.
Tại TP.HCM, Tổ công tác cũng đã làm việc, giải quyết 30 kiến nghị, trong đó có 10 kiến nghị về nhà ở xã hội, 10 kiến nghị về cải tạo chung cư và 4 kiến nghị về công tác quy hoạch.
Ở Bình Thuận, Tổ công tác cũng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết vấn đề về giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhìn chung các địa phương rất tích cực, thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án BĐS. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, coi đây là những nhiệm vụ cấp bách và theo nguyên tắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết dứt điểm, quyết liệt.
Một số nơi hiểu và áp dụng chưa đúng quy chuẩn về PCCC
Về những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, các Bộ, ngành liên quan đang phối hợp để rà soát một cách có hệ thống, từ luật, các nghị định đến các văn bản pháp lý có liên quan.
Hiện có 9 quy chuẩn và 52 tiêu chuẩn về PCCC cho nhà và công trình. Bộ Xây dựng đang thực hiện các giải pháp cấp bách, trước mắt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công trình hiện hữu không đáp ứng tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm hoạt động.
Bộ Công an đã rà soát 1,18 triệu công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có 38.000 công trình đưa vào hoạt động nhưng không đáp ứng quy chuẩn phòng cháy. Những công trình này phải dừng hoạt động, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi cung ứng hàng hóa, tạo việc làm cho người lao động.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình có hiệu lực từ tháng 1, nhưng có một số nơi hiểu và áp dụng chưa đúng, dẫn đến khó khăn, vướng mắc.
Để khắc phục, Bộ Xây dựng đang xây dựng hướng dẫn Quy chuẩn 06, báo cáo Chính phủ xem xét sửa các quy định chưa phù hợp trong quy chuẩn này, dự kiến trong tháng 9 ban hành hướng dẫn.
Ngày 17/11/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. |