Thanh Tâm ·
1 năm trước
 8046

Thay thế nhà thầu yếu kém khi thi công sân bay Long Thành

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 429/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi kiểm tra và làm việc về tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình thế kỷ, lớn nhất từ trước tới nay về quy mô, giá trị tổng mức đầu tư, tính chất hiện đại, phức tạp về công nghệ và được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, yêu cầu đáp ứng về chất lượng, tiến độ.

Đây cũng là công trình mang tính lịch sử với ngành hàng không nói riêng và ngành giao thông vận tải nói chung. Việc thành công của dự án sẽ minh chứng cho năng lực của các chủ đầu tư, các nhà thầu trong việc quản lý, điều hành và tiếp cận với kỹ thuật mới.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: ITN)

Làm rõ hơn việc hoàn thành các dự án thành phần

Tại Thông báo số 429/TB-VPCP, Phó Thủ tướng yêu cầu công trình phải bảo đảm yêu cầu vĩnh cửu, lâu dài, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất. Chủ đầu tư phải xác định mức độ quan trọng, thiết yếu của công trình, mối quan hệ, ràng buộc giữa các hạng mục, yêu cầu rõ ràng về pháp lý, kỹ thuật, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các bên liên quan, không để xung đột trong quá trình triển khai các gói thầu, dự án thành phần.

Đối với Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chính về tổng thể dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình thực hiện dự án thành phần 3; các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai dự án.

Đối với các bộ, ngành liên quan, các chủ đầu tư các dự án thành phần xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ chi tiết, khoa học, phù hợp với mục tiêu, tiến độ của dự án và các cam kết với Chính phủ, với Quốc hội; gửi Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổng hợp kế hoạch triển khai tổng thể dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.

Trên cơ sở kế hoạch tổng thể của dự án, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thúc đẩy, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của tất cả các dự án thành phần.

Cụ thể, về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đối với dự án thành phần 1, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bố trí hợp lý trụ sở các cơ quan kiểm dịch y tế, động/thực vật.

Đối với dự án thành phần 2, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam khẩn trương triển khai dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xác định quy hoạch chi tiết khu đất hỗn hợp 22 Trần Quốc Hoàn, phường 4, quận Tân Bình bảo đảm phù hợp với hiện trạng pháp lý sử dụng đất và cấp phép xây dựng dự án trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến việc vận hành, khai thác dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đặc biệt, với dự án thành phần 3, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai; đánh giá lại năng lực quản lý, điều tiết kết nối thi công trên công trường; quản lý sâu sát quá trình triển khai các gói thầu, gắn trách nhiệm của các nhà thầu; kịp thời phát hiện để có biện pháp khắc phục, giải quyết kịp thời các sai sót, xung đột. ACV nghiên cứu áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, công cụ quản lý; quản lý theo mô hình BIM trên toàn bộ dự án.

Đối với dự án thành phần 4, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tăng cường năng lực cán bộ để lựa chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực (tài chính, kỹ thuật), uy tín trong việc thực hiện cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho cảng hàng không, bảo đảm nâng cao tính cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng ban văn bản số 5208/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về triển khai gói thầu 5.10, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong đó, văn bản nêu rõ, gói thầu 5.10 thuộc Dự án thành phần 3, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 triển khai chậm, không đáp ứng được tiến độ Dự án theo yêu cầu của Quốc hội.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo quyết liệt Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để sớm lựa chọn được nhà thầu phù hợp theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Trong số các gói thầu của dự án, gói thầu số 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách" là gói thầu lớn nhất, với quy mô 35.233 tỷ đồng. Dự án được thiết kế có công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm khi hoàn thành.

Đề xuất kéo dài thu hồi đất đến hết 2024

Chính phủ cho biết quá trình thu hồi đất xây sân bay Long Thành khó khăn do dịch bệnh, vướng mắc thủ tục nên kiến nghị kéo dài dự án đến hết năm 2024.

Sáng 26/10, tại Nghị trường Quốc Hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Lý giải cho đề xuất, ông Thắng cho biết năm 2020-2021 dịch bệnh diễn biến phức tạp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nhiều lần phải giãn cách xã hội. Việc phối hợp với người dân để đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường đất gặp nhiều khó khăn, bị kéo dài. Khối lượng công việc lớn, liên quan đến chế độ, chính sách xã hội nên phải cẩn trọng, tỉ mỉ.

"Nhiều hộ dân có đất đền bù bị vướng mắc về giấy tờ, cần phải kéo dài thời gian xác minh. Giá cả vật tư, vật liệu tăng cao, nguồn cung ứng đứt gãy. Lao động khan hiếm ảnh hưởng đến tiến độ", Bộ trưởng nói.

Ngoài dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai phải tập trung nhân lực triển khai hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bến Lức - Long Thành và phục vụ các đoàn kiểm tra, giám sát. Do đó, lực lượng thực hiện thu hồi đất cho sân bay Long Thành bị thiếu hụt.

Cũng trong lần trình này, Chính phủ đề nghị giảm tổng mức đầu tư dự án từ 22.900 xuống 19.200 tỷ đồng; giảm diện tích đất thu hồi từ 5.400 xuống hơn 5.300 ha; bố trí tái định cư các hộ dân do thu hồi đất để thực hiện đầu tư 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban nhất trí với kiến nghị kéo dài thời gian của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị đánh giá trong bối cảnh niên độ dự án đã kết thúc, không được Kho bạc Nhà nước giải ngân, việc điều chỉnh này ảnh hưởng thế nào đến thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ đánh giá tác động từ việc điều chỉnh thời gian thu hồi đất ảnh hưởng thế nào đến lộ trình thực hiện giai đoạn một dự án sân bay Long Thành.

Dự án thành phần 3 sân bay Long Thành giai đoạn 1, ACV đã và đang triển khai đồng bộ các hạng mục, bám sát tiến độ và đúng tiến độ các hợp đồng đã ký. Cụ thể, hạng mục chính như nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn và hệ thống giao thông kết nối đã được lần lượt khởi công trong tháng 7, 8/2023. Hiện trên toàn bộ công trường dự án đã huy động gần 3.000 người, trong đó trực tiếp hơn 2.000 cán bộ chuyên gia giám sát, chỉ huy trưởng, cán bộ thi công, nhân viên, công nhân và các trang thiết bị máy móc để tập trung thi công 4 gói thầu chính.

Về 2 tuyến giao thông (tuyến T1 và T2) kết nối sân bay Long Thành,  tuyến T1 đã bàn giao hơn 60 ha đất (đạt tỷ lệ hơn 99%), tuyến T2 bàn giao được hơn 14 ha, đạt tỷ lệ trên 28% và đang gấp rút để bàn giao đúng tiến độ.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7001382713254758/