NHTM có vai trò quan trọng trong phát triển thị trường trái phiếu
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hệ thống các NHTM có vai trò tham gia phát triển thị trường TPDN lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là trong bối cảnh quy mô thị trường này của Việt Nam còn khiêm tốn với mức dư nợ mới chỉ khoảng 15% GDP, thấp hơn các nước Đông Nam Á, trong khi theo chiến lược tài chính quốc gia thì quy mô thị trường TPDN cần đạt tối thiểu 20% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 47% GDP đến năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải phân biệt giữa TPDN phát hành bởi các NHTM và các định chế tài chính với các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm.
"Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phân loại cụ thể để có biện pháp phù hợp: Trái phiếu có khả năng trả nợ; trái phiếu khó có khả năng trả nợ; trái phiếu không có khả năng trả nợ" - Thủ tướng Chính phủ cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị ngành ngân hàng ngày 15/7. (Ảnh: NHNN)
Trên thị trường, nhiều năm qua TPDN do các NHTM và định chế tài chính phát hành đóng vai trò tạo lập khi chiếm tỷ trọng lớn, với độ an toàn cao và đã thiết lập được một kênh đầu tư hấp dẫn khi thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia.
TPDN do ngân hàng phát hành có độ an toàn như gửi tiết kiệm, người sở hữu trái phiếu có quyền lợi được bảo đảm như người gửi tiền và thường có lãi suất cao hơn. NHTM là nhà phát hành phải tuân thủ các quy định ngày càng cao theo các chuẩn mực quốc tế về an toàn hoạt động, về công khai và minh bạch; chịu sự giám sát chặt chẽ và toàn diện của Ngân hàng Nhà nước; được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu trên thế giới định kỳ đánh giá và cập nhật về tình hình hoạt động.
Theo quy định hiện hành, sự phân biệt giữa TPDN do các NHTM phát hành với các trái phiếu khác cũng được Ngân hàng Nhà nước xác định rõ tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động tín dụng. Theo đó, các NHTM không phải trích lập dự phòng chung đối với trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Đây chính là một nguồn lực góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Và về lâu dài, thị trường TPDN Việt Nam cần phát triển và đạt mục tiêu Chính phủ đề ra nói trên, để phát huy vai trò kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tỷ trọng phát hành khá cao
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2021 tỷ trọng phát hành TPDN của nhóm các NHTM chỉ chiếm 32%, đứng thứ hai trên thị trường và sau nhóm bất động sản (37%); nhưng đến năm 2022, các ngân hàng đã vươn lên chiếm tỷ trọng lớn nhất với 54%.
Đến quý II/2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức thấp, lãi suất huy động giảm mạnh, nhiều NHTM mua lại trái phiếu trước hạn như một giải pháp cân đối cho bài toán kiểm soát chi phí, hoạt động phát hành mới hạn chế, tỷ trọng trên đã giảm xuống còn khoảng 20%.
Tuy nhiên, diễn biến trên chỉ mang tính ngắn hạn. TPDN do NHTM và các định chế tài chính phát hành vẫn và sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong tạo lập, thúc đẩy thị trường này phát triển, gần nhất là ở khía cạnh tạo cung dẫn dắt cho sàn giao dịch TPDN tập trung bắt đầu vận hành từ 19/7 này.
Ở hướng vận động chung, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, thị trường TPDN đã có xu hướng phục hồi với những tín hiệu mới.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định 08 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu. Ngay sau khi Nghị định 08 ban hành, hoạt động phát hành mới TPDN đang dần được nối lại.
Cập nhật từ VBMA, trong quý II vừa qua đã có thêm 20 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trị giá 11.756 tỷ đồng, cùng 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 2.000 tỷ đồng; tuần đầu tháng 7 này có thêm đợt phát hành trị giá 400 tỷ đồng.
Xu hướng đó kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng, khi lãi suất đã hạ nhiệt để góp phần hỗ trợ khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh và hiệu quả hoạt động của các nhà phát hành.