Thế kỷ 21 biểu hiện bởi sự hình thành, phát triển và bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, song song với đó là sự hình thành, hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn, dẫn tới sự biến đổi sâu sắc và toàn diện cấu trúc nền tảng nền kinh tế quốc tế và xã hội nhân loại. Một mặt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư giải quyết các bài toán về ứng dụng kinh tế tri thức vào cuộc sống, tối ưu hóa giá trị tài sản vô hình vào hoạt động sản xuất – kinh doanh nâng cao hiệu năng sản xuất, giải phóng sức lao động của con người; thì mô hình kinh tế tuần hoàn giải quyết bài toán tổng thể về bảo vệ môi trường kết hợp với tăng trưởng và phát triển kinh tế, thực hiện và hoàn thành các mục tiêu chiến lược về phát triển bền vững thông qua các nguyên lý của kinh tế thị trường.
Tiếp cận truyền thống trong nền kinh tế tuyến tính, các lý thuyết và quan điểm về phát triển kinh tế dựa trên tối ưu hóa việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực tự nhiên để phục vụ cho phát triển kinh tế, trong đó có sự hy sinh về giá trị môi trường để đổi lại sự phát triển kinh tế; thì trong thời đại mới, sự phát triển kinh tế phải cân đối và hài hòa với bảo vệ môi trường, biến bảo vệ môi trường thành một nguồn lực để phát triển kinh tế; và phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường như hai chân của một thực thể đi tới phát triển bền vững.
Việc thực hiện kinh tế môi trường gắn với việc thiết kế lại toàn bộ chu trình và các khâu của quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, dẫn tới sự điều chỉnh các cấu trúc thiết chế và thể chế theo những cách thức hoàn toàn khác với truyền thống. Lưu ý rằng, việc thiết kế lại, thực thi các cấu trúc mới được bổ trợ và giúp sức của chính cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này đặt ra nhiều thách thức và tạo ra nhiều thuận lợi cho chính Việt Nam chúng ta.
Luật sư Hà Huy Phong.
Trước hết, nói về cơ hội, nền kinh tế Việt Nam có điều kiện đi thẳng lên nền kinh tế số. Với những thành quả mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tất cả các quốc gia trên thế giới đều có chung khoảng vạch xuất phát. Nếu trong nền kinh tế công nghiệp, Việt Nam đi sau các nước phát triển trên thế giới gần 300 năm, thì với nền kinh tế số, khoảng cách này chỉ tính bằng vài thập niên nên khả năng rút ngắn khoảng cách hơn nữa là hoàn toàn có thể. Nền kinh tế số dựa trên sự phát triển của công nghệ Internet nên các khoảng cách về địa lý bị thu hẹp, thay vào đó là một nền tảng thị trường phẳng, phi biên giới và có tính lan tỏa nhanh, sâu rộng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên tính nhạy cảm với các biến động của thị trường cũng cao, và các cơ hội từ đó cũng nhiều hơn, nhanh hơn.
Cơ hội thứ hai mà Việt Nam có thể tận dụng là đi thẳng lên các công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ mới thay vì đi lên từng bước qua các công nghệ cũ. Bối cảnh để sử dụng công nghệ cũ đã không còn tồn tại, bởi sự siết chặt từ quy định đến các công ước quốc tế, các cam kết về môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do. Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi thẳng lên việc sử dụng các công nghệ hiện đại ngang tầm với các nước phát triển. Việc cam kết thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong các công ước quốc tế giúp Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia khác về tài chính, chuyển giao công nghệ và cả về kỹ năng quản trị theo những hình thức khác nhau. Sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế là điều kiện để nền kinh tế công nghệ của Việt Nam có cơ hội sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Với một thế giới phẳng, gia nhập các thiết chế kinh tế quốc tế, Việt Nam có cơ hội tận dụng những thành tựu khoa học – công nghệ, phát minh mới của thế giới để ứng dụng vào sản xuất – kinh doanh ở trong nước. Song song với các cam kết quốc tế đa phương, các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Mỹ đều thực hiện những nguyên tắc của quyền lực thị trường cầu, tức là áp đặt các quy định nghiêm khắc buộc hàng hóa tiêu thụ tại các thị trường này phải tuân thủ, thông qua việc tuân thủ đó, doanh nghiệp Việt Nam tự thay đổi chính mình ở trong nước.
Cơ hội thứ ba mà Việt Nam có thể tận dụng là bảo vệ môi trường, gia tăng sự thịnh vượng. Phát triển bền vững là mục tiêu chung của mọi quốc gia và là nỗ lực toàn cầu được chủ trì thực hiện bởi Liên hiệp quốc, nên tính cam kết, ràng buộc của nó được thiết lập ở mức độ cao. 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam ban hành tại Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 thể hiện tính bao trùm và toàn diện các khía cạnh để đạt tới mục tiêu thịnh vượng cả về vật chất và tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh những cơ hội, thì một số thách thức đến từ việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nói riêng và thực hiện kinh tế môi trường cũng đặt ra cho Việt Nam những gánh nặng không nhỏ. Vấn đề lớn mà Việt Nam phải nỗ lực vượt qua chính là trình độ khoa học, công nghệ và kinh tế xã hội của chúng ta đang bị tụt hậu khá xa so với các nước phát triển. Việt Nam không thể đi tắt đón đầu theo hình thái nhảy cóc mà phải chạy nhanh đều ở mọi công đoạn của quá trình phát triển nên sức ép là rất lớn. Nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ trở thành "bãi rác" và "thị trường thứ cấp" của các nước phát triển, nơi tiêu thụ và vứt bỏ các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, hàng hóa kém chất lượng không có khả năng tiêu thụ ở các thị trường phát triển.
Thử thách thứ hai là sự lệ thuộc vào nền kinh tế quốc tế thông qua lệ thuộc về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường tài chính và thị trường công nghệ. Trong bối cảnh thực hiện kinh tế môi trường, nền kinh tế Việt Nam trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế thế giới, nên mọi ảnh hưởng và biến động của nền kinh tế thế giới đều có tác động sâu sắc và toàn diện tới nền kinh tế Việt Nam. Sự chỉ huy và dẫn dắt của một số cường quốc trong nền kinh tế thế giới dẫn tới sự phụ thuộc và ảnh hưởng không mong muốn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt và tìm cách hóa giải.
Thử thách thứ ba là sức ép cải thiện hiệu quả hoạt động của thị trường vốn. Thị trường vốn là nơi cung cấp các khoản tín dụng cho các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh, nên hiệu quả hoạt động này có tác động trực tiếp vào mạnh mẽ tới khả năng thực hiện kinh tế môi trường trên thực tế. Trong nền kinh tế tuần hoàn, vòng đời của các sản phẩm diễn ra rất ngắn, nhu cầu sử dụng vốn và thời gian chu chuyển của dòng vốn nhanh, nên các yêu cầu về chất lượng và giá trị vốn trên thị trường vốn rất cao. Bên cạnh đó, tính liên thông giữa thị trường vốn trong nước và quốc tế cũng đặt ra yêu cầu về tương thích cả về giá trị, trình độ phát triển và hiệu quả, dẫn tới việc hoàn thiện thị trường này phải thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế, thay vì hình thành riêng những tiêu chuẩn cho thị trường trong nước.
Luật sư Hà Huy Phong – Trưởng Ban Pháp chế Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường