Chiến Chiến ·
33 tuần trước
 8702

Thuế phát thải carbon: nước sắp đến chân

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn với hai động lực quan trọng là xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cũng có nghĩa Việt Nam không còn nhiều dư địa tự chủ trong dòng chảy chuyển đổi xanh...

Giương ngọn cờ giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu, đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) bắt đầu được EU thử nghiệm từ 1.10 tới, áp dụng với một số mặt hàng trong 6 nhóm hàng hóa gồm xi măng, thép, nhôm, phân bón, điện và hydro nhập khẩu từ những quốc gia chưa áp dụng định giá carbon hoặc có cơ chế định giá chưa tương ứng với định mức, tiêu chuẩn của EU (Liên minh châu Âu).

Bản chất của CBAM là một loại thuế (từ đây tạm gọi là thuế carbon), buộc các doanh nghiệp EU nhập khẩu hàng hóa có chứa khí thải CO2 tương đương (các khí thải gây nên hiệu ứng nhà kính) trong quá trình sản xuất phải trả phí xả thải bằng với các mặt hàng tương tự sản xuất tại EU.

Liên minh châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU năm 2022 đạt 46,83 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021, chiếm 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Từ danh mục chịu thuế carbon của EU nhìn lại những ngành sản xuất của Việt Nam dễ bị tổn thương. Với thép, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, đạt 1,3 triệu tấn (tương đương 16%) sản lượng xuất khẩu năm 2023.

Cũng trong năm này, Việt Nam xuất khẩu 307 triệu USD sản phẩm nhôm, chiếm tỷ trọng 14,46%. Mặc dù phát thải cao nhưng xi măng sẽ chịu tổn thương ít hơn do EU chưa phải thị trường xuất khẩu chiến lược của ngành này. Phân bón vô cơ của Việt Nam cũng chưa xuất khẩu vào EU… Tuy nhiên, phát triển xanh và bền vững là xu thế không thể đảo ngược và những nước nhỏ, đang phát triển dù muốn hay không cũng phải chấp nhận luật chơi mà các nước lớn áp đặt.

Trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài hơn hai năm từ 1.10.2023 đến 31.12.2025, những nhà nhập khẩu EU phải thực hiện báo cáo tổng phát thải tích hợp trong những hàng hóa trên. Mặc dù chưa bị áp thuế carbon nhưng báo cáo là một trong những cơ sở quan trọng để EU cân nhắc, lựa chọn phương pháp tính thuế carbon trước khi thuế suất có hiệu lực từ 1.1.2026. Những nhà cung cấp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, tổng hợp và cung cấp dữ liệu phát thải cho nhà nhập khẩu thực hiện nghĩa vụ nộp báo cáo đầu tiên vào ngày 31.3.2024. Trường hợp báo cáo có độ tin cậy thấp, chẳng hạn như có bằng chứng kê khai tổng lượng phát thải thấp hơn so với thực tế, EU có thể áp đặt định mức hoặc sử dụng báo cáo cung cấp từ nước thứ ba.

Chi phí phát thải carbon tại EU hiện cao nhất thế giới. Hệ thống Thương mại Khí phát thải (Emission Trade System - ETS triển khai từ 2005) EU ghi nhận giá phát thải carbon (tương đương) đã tăng gần 5 lần trong 5 năm trở đây. Mức giá giao dịch tín chỉ carbon cao nhất tại EU lên đến 105,39 euro/tín chỉ vào ngày 6.3.2023, cao hơn nhiều lần so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Chênh lệch đáng kể thuế phát thải khiến hàng hóa sản xuất tại EU làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại EU so với phần còn lại của thế giới.

Áp dụng CBAM góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản xuất nội địa, tạo môi trường kinh doanh công bằng giữa các công ty trong và ngoài EU, khuyến khích các tập đoàn lớn tăng đầu tư tại chính quốc, góp phần hỗ trợ cho chính sách chuyển dịch đầu tư về trong nước nhằm bảo đảm tự chủ chiến lược và an ninh kinh tế. Sắc thuế này còn đảm bảo sự đồng bộ giữa cơ chế định giá carbon trong và ngoài EU, ngăn ngừa tình trạng rò rỉ carbon, thúc đẩy/gây sức ép lên các quốc gia đối tác thiết lập công cụ định giá carbon theo tiêu chuẩn của EU.

Cơ chế CBAM tạo nguồn thu bổ sung cho những chương trình thích ứng đối với biến đổi khí hậu. Ước tính thuế carbon mang lại khoảng 1 tỷ Euro mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030, theo đó 75% số thu phân chia cho ngân sách EU và phần còn lại bổ sung vào ngân sách các quốc gia thành viên nhằm tái đầu tư cho công nghệ, hạ tầng thân thiện với môi trường.

Nếu không kịp thời đổi mới công nghệ, thép Việt sẽ suy giảm năng lực cạnh tranh tại EU khi cơ chế CBAM có hiệu lực từ 1.1.2026. Ảnh: CNBC

Tham vọng phối hợp với EU về thuế carbon mới trong nỗ lực chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, cựu thành viên EU là Anh đã triển khai lộ trình 5 bước áp dụng thuế carbon. (1) Chính phủ Anh từ 30.3.2023, tham vấn Quốc hội, doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ môi trường, nhà khoa học và người dân; (2) Thiết kế chính sách bao gồm phạm vi, các mức giá carbon, khu vực và lĩnh vực áp dụng, các cơ chế tuân thủ; (3) Tham vấn và đàm phán với các đối tác thương mại trong WTO để đảm bảo cơ chế này khi ban hành phù hợp với cam kết và luật quốc tế; (4) Thực hiện thí điểm; (5) Thực hiện theo từng giai đoạn và theo dõi chặt chẽ để đảm bảo tính hiệu quả.

Theo dõi quá trình chuẩn bị đạo luật CBAM trong 4 năm qua, TS. Hà Huy Tuấn - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và hiện là Trưởng khoa Kinh tế Đại học Chu Văn An - lưu ý nội bộ EU cũng thảo luận về khả năng mở rộng danh mục chịu thuế carbon, hướng tới bình đẳng giữa những hàng hóa có hàm lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Thống kê của OECD tại 71 quốc gia có lượng phát thải nhiều nhất, thuế carbon đã mở rộng phạm vi điều chỉnh lên 40% từ mức 32% tổng lượng phát thải khí nhà kính giai đoạn 2018 - 2021. Đức năm 2021 đã mở rộng cơ chế giao dịch carbon sang lĩnh vực sưởi ấm và nhiên liệu giao thông (nằm ngoài danh mục của ETS EU)…

Nhìn sang Trung Quốc, từ phiên giao dịch trực tuyến đầu tiên ngày 16.7.2021 đến 25.12.2022 đã có 223 triệu tấn khí thải được giao dịch với tổng giá trị 10 tỷ nhân dân tệ. Hàn Quốc triển khai ETS từ 1.2015. Úc định giá carbon thông qua Quỹ Giảm phát thải (Emissions Reduction Fund) vào 2014… Theo lộ trình, Việt Nam sẽ tổ chức thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon từ 2025 và đến năm 2028 sẽ tổ chức vận hành chính thức. Hành lang pháp lý là Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Thuế carbon được xem như một công cụ mang tính thị trường quan trọng được những quốc gia phát triển vận dụng ngày càng phổ biến. Tốc độ thực thi hàng rào kỹ thuật “xanh” nhanh hơn nhiều (thời gian thử nghiệm chỉ 2 -3 năm) so với việc triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) trở thành thách thức đáng kể đối với những ngành, doanh nghiệp không kịp chuyển đổi, thích ứng với những quy định mới, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, suy giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, đồng thời tạo cơ hội kinh doanh cho những nhà cung cấp công nghệ từ những nước phát triển.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn với hai động lực quan trọng là xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cũng có nghĩa Việt Nam không còn nhiều dư địa tự chủ trong dòng chảy chuyển đổi xanh.