Minh Anh ·
1 năm trước
 9113

Phát triển nông nghiệp bền vững góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Tại tọa đàm “Phát triển nông nghiệp bền vững tại Thanh Hóa: Hiện trạng và giải pháp”, vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và góp phần giảm phát thải khí nhà kính đã được đặt ra.

Tại toạ đàm Phát triển nông nghiệp bền vững ở Thanh Hóa, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có bài tham luận với chủ đề:Phát triển nông nghiệp bền vững góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Tạp chí Kinh tế Môi trường xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ (ngoài cùng bên phải) tham dự tọa đàm.

Bối cảnh

Trong vòng vài năm trở lại đây (tính đến 2023) đã có nhiều bài viết trong nước và quốc tế đề cập tới an ninh lương thực trên toàn Thế giới và cả ở Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo cho nhiều quốc gia với hàng triệu tấn mỗi năm, vậy đặt vấn đề an ninh lương thực có phù hợp không là điều cần lý giải. Thật ra, trên Thế giới vẫn có quốc gia gặp khó khăn về đảm bảo lương thực cho người dân và ở Việt Nam vẫn có tỷ lệ nào đó người nghèo, vẫn chưa đủ ăn quanh năm. Nếu với một cá nhân, một gia đình, một cộng đồng nhỏ thì việc thiếu thốn lương thực có thể là do yếu tố khách quan hoặc do không may mắn như ốm đau, bệnh tật, khuyết tật, tai nạn,… hay như đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số chưa tiếp cận được tiến bộ khoa hoạc công nghệ mới, sống phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện hạn chế của thiên nhiên chẳng hạn.

Với sự phát triển không ngừng của xã hội loài người, đã có những cố gắng của các tổ chức quốc tế, của các mạnh thường quân, những người hảo tâm để hỗ trợ, tài trợ để các quốc gia nghèo, các hộ gia đình, các cá nhân gặp khó khăn để họ đảm bảo lương thực thiết yếu cho cuộc sống. Liên hợp quốc cũng có những dự án tài trợ cho nhiều quốc gia có khó khăn về đảm bảo an ninh lương thực, giúp họ vượt qua khó khăn, giúp những người đói nghèo tiếp cận được lương thực đến từ nhiều quốc gia khác.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Nếu nhìn lại lịch sử thì Việt Nam cũng đã trải qua mạn đói khủng khiếp, chết hàng triệu người vào năm 1945 hay cảnh thiếu thốn lương thực trong suốt cuộc kháng chiến giành độc lập và cả một số năm đã giành được độc lập, thống nhất đất nước. Xem xét nguyên nhân, cha ông ta đã tổng kết được 3 nguyên nhân chính, đó là thiên tai, dịch bệnh/sâu hại và địch họa. Năm 1945, nạn đói xảy ra khi dân tộc Việt Nam chịu áp bức bóc lột của hai đế quốc Nhật, Pháp. Chúng tăng cường vơ vét của cải, thậm chí bắt dân phá lúa trồng đay phục vụ chiến tranh (do chúng gây nên ở nhiều nơi) và hậu quả là cái chết thương tâm của nhiều đồng bào ta.

Từ 1945 đến 1975, Việt Nam phải tiến hành hai cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng của Pháp và Mỹ nên những năm gặp thiên tai, dịch bệnh/sâu hại nhân dân ta phải chịu cảnh đói kém, khó khăn. Có lẽ, bài thơ Hạt gạo làng ta của nhà thơ Trần Đăng Khoa (lúc sáng tác bài này chỉ là một chú bé) đã nói lên hầu như tất cả nguyên nhân có thể gây nên sự thiếu đói như địch họa: “Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà”, thiên tai: “Có bão tháng bảy, có mưa tháng ba; Sớm nào chống hạn, vục mẻ miệng gàu”, sâu bệnh: “Trưa nào bắt sâu, lúa cao rát mặt”. Rồi khi đất nước thống nhất thì lại phải gồng mình chống chiến tranh do Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc và chiến tranh biên giới Tây Nam chống Khmer Đỏ và sau đó là giúp nước bạn Campuchia đánh tan và xóa bỏ chế dộ diệt chủng do chúng lập nên.

Chắc chắn những người được chứng kiến cuộc sống khó khăn thời kỳ đó mới thấu hiểu những đói khổ nhân dân Việt Nam phải chịu đựng và mới cảm nhận được hạnh phúc khi chúng ta đảm bảo được an ninh lương thực và còn xuất khẩu sang những quốc gia khác. Thiên tai, dịch bệnh/sâu hại và cả địch họa đều có yếu tố bất định, khó dự báo nên việc lo lắng, chuẩn bị đối phó không thể lơ là và kéo theo an ninh lương thực cũng phải sẵn sàng ứng phó với những rủi ro khi nó xảy ra. Dưới đây xin bàn luận ít nhiều liên quan tới hai vấn đề phát trển của Việt Nam là đảm bảo an ninh lương thực và giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động nông nghiệp.

1. Làm thế nào để duy trì và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Điều đầu tiên mà ai cũng thấy đó là: phải sản xuất đủ lương thực, thực phẩm, rau củ,… để có thể cung cấp đủ thức ăn, dinh dưỡng cho mọi người dân. Muốn vậy phải nắm vững những nguồn lực cần thiết và phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng tối ưu, hiệu quả để thu được kết quả sản xuất cao nhất. Chúng ta phải cố gắng đảm bảo không chỉ lương thực (lúa gạo, ngô, khoai,…) mà còn nhiều sản phẩm khác như thực phẩm (thịt, cá, tôm,…), rau đậu, củ quả để có nguồn dinh dưỡng đa dạng phục vụ nhu cầu của nhân dân, góp phần tăng về thể hình (chiều cao, cân nặng, sức lực,…) cho người Việt về lâu về dài.

Nguồn lực đầu tiên phải kể đến là đất đai cho trồng lúa, lương thực chính. Việt Nam có hai đồng bằng châu thổ lớn với đất phù sa thích hợp cho trồng lúa nước. Tuy nhiên do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ nên diện tích trồng lúa đã và đang bị suy giảm. Tuy nhiên, các cấp lãnh đạo cao nhất Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã thống nhất dành diện tích đủ lớn để trồng lúa, thể hiện qua các văn kiện như Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030” yêu cầu giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hằng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Quốc hội có Nghị quyết số 39/2021/QH15 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; theo đó đến năm 2030, chỉ tiêu đất trồng lúa cả nước có 3,57 triệu ha. Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ cũng yêu cầu giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa đến năm 2030, với sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo. Những yêu cầu, định hướng này đã được đưa vào Quy hoạch Tổng thể Quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là điều người dân cảm thấy yên tâm với khả năng đảm bảo an ninh lương thực về lâu về dài.

Về nguồn nhân lực, chúng ta từng bước nâng tầm “người nông dân” lên trình độ cao hơn rất nhiều, từ quanh năm chỉ tập trung cày, bừa, cấy gặt trên những mảnh đất nhỏ lẻ của mình lên những người có tư duy làm kinh tế nông nghiệp trình độ cao. Họ có kiến thức được đào tạo bài bản (nhiều kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ đã về tham gia kinh tế nông nghiệp ở các địa phương), biết tổ chức, quản lý sản xuất theo quy trình hiện đại, biết đầu tư trang thiết bị đồng bộ để sản xuất, đảm bảo cho năng suất cao, giảm chi phí đầu vào và giảm rủi ro do thiên tai, sâu hại. Bây giờ đã có nhiều chủ trang trại, chủ hợp tác xã, chủ cánh đồng mẫu lớn có thể làm chủ các công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Nguồn nhân lực khoa học công nghệ cũng được nâng lên tầm cao mới với những nhà khoa học trình độ cao, phòng thí nghiệm hiện đại đã nghiên cứu được nhiều giống lúa chất lượng cao, kháng được sâu bệnh, chống chọi được những bất lợi của môi trường.

Một sản phẩm tiêu biểu của nông dân xứ Thanh.

Về đổi mới công cụ sản xuất, người nông dân đã làm chủ nhiều thiết bị hiện đại trong sản xuất lúa. Ở những đồng bằng lớn, nhiều nông dân không còn chịu cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau hay bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa mà đã có máy móc làm thay nhiều công đoạn sản xuất. Nhìn những máy cày bừa hay máy gặt đập liên hợp chạy trên đồng ruộng chúng ta thấy yên lòng không phải lo nghĩ nhiều về nỗi vất vả của nông dân (những người thân, người bà con của chúng ta). Về chế biến, ngày xưa là quy trình xay (bằng cối xay), giã (bằng chày gỗ), dần, sàng để có hạt gạo nấu ăn hàng ngày. Lứa tuổi chúng tôi, lúc còn rất nhỏ đã phải làm công việc xay, giã và thật sự đó là công việc nặng nhọc, không cậu bé, cô bé nào muốn làm: xay lúa, giã gạo, bế em, chăn bò. Nông dân bây giờ có thể bán lúa ngay tại ruộng rồi mua gạo về ăn rất tiện. Người nông dân còn được hưởng lợi lớn từ những công trình khoa học, những sáng tạo mới với sản phẩm rất hữu ích trị được sâu bệnh, những loại phân bón chất lượng cao, những hệ thống thủy lợi hiện đại,… Điều này lần nữa giúp chúng ta tin vào khả năng đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam. 

Về cơ chế phát triển, cơ chế sản xuất, Việt Nam đã có những chuyển đổi theo hướng kinh tế thị trường nhằm phát huy tối đa lợi thế con người (cả nông dân, nhà khoa học, doanh nhân,…), lợi thế đất đai, mặt nước, khí hậu, thủy văn và lợi thế tự nhiên khác để sản xuất ngày càng nhiều và đa dạng sản phẩm lương thực, thực phẩm, rau đậu, củ quả. Từ sản xuất nhỏ, manh mún chúng ta đã có mô hình sản xuất quy mô lớn, áp dụng tốt kết quả khoa học công nghệ, sản xuất hàng hóa (sản phẩm đủ nhiều và ổn định theo thời gian) nên hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích ở mức khá cao và chất lượng hàng hóa cũng được nâng lên rõ rệt. Việc liên kết các nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nhân,…) đang phát huy tối đa nguồn lực đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nhiều về sản lượng, đa dạng về loại, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế cao.

Tất cả những phân tích ở trên không chỉ đúng với trồng lúa mà còn cả đối với cây trồng khác, cả đối với chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản nên về tổng thể Việt Nam sẽ đảm bảo được an ninh lương thực, đủ cung cấp các loại sản phẩm lương thực thiết yếu, chất lượng cao và còn dư để xuất khẩu,

2. Làm thế nào giảm phát thải khí nhà kính và một số tác hại môi trường khác trong phát triển nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp là cơ sở để có đủ lượng sản phẩm. đảm bảo an ninh lương thực nhưng cũng tiềm ẩn một số tác động đến môi trường. Trong quá trình phát triển của khoa học công nghệ con người đã sáng tạo, chế tạo, sản xuất được nhiều sản phẩm phục vụ trồng trọt, trong đó phải kể tới phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Tôi còn nhớ khi Việt Nam tiếp cận được với một số loại thuốc trừ sâu như DDT. Chlodane, 666,… thì sản lượng lúa và một số loại cây lương thực tăng hẵn lên và góp phần xóa đói nghèo trên diện rộng. Nhưng rồi, khoa học phát hiện có nhiều chất trừ sâu, diệt cỏ rất độc hại cho con người khi chúng có khả năng tồn đọng trong sản phẩm nông nghiệp và khi con người ăn vào thì sẽ sinh nhiều loại bệnh, kể cả bệnh nan y như ung thư chẳng hạn. Năm 1991, khi học ở một lớp có nhiều sinh viên nước ngoài, thày giáo gọi tôi hỏi Việt Nam vẫn dung DDT để trừ sâu, trừ muỗi phải không?, tôi thản nhiên trả lời là đúng nên mọi người cười ồ lên làm tôi rất hoang mang và xấu hổ vì kiến thức của mình nông cạn, không nắm vững Việt Nam đã cấm sử dụng chất này chưa. Sau này tôi được biết đến năm 1991 Việt Nam chưa có quyết định cấm sử dụng DDT làm thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện đã có nhiều công trình chỉ ra khả năng gây ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí do hoạt động nông nghiệp gây ra nhưng trong bài viết này chúng tôi chủ yếu đề cập đến phát thải khí nhà kính (KNK) cùng một số chất có ảnh hưởng đến BĐKH và giải pháp có thể giảm thiểu. Do vấn đề này khá rộng nên không thể đề cập đầy đủ, chỉ giới hạn trình bày những gì do các nhóm nghiên cứu của Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội thu được trong thời gian qua.

Đánh giá mức phát thải KNK là công việc khó, đặc biệt là phát thải trong hoạt động nông nghiệp. Đã có nhiều công trình nêu về khả năng phát thải các chất KNK như CO2, CH4 nên chúng tôi xin đề cập tới một số chất ảnh hưởng đến BĐKH khác như N2O và carbon đen (black carbon - BC).

Các hoạt động nông nghiệp - trồng trọt và chăn nuôi - góp phần tạo ra khí thải theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là biện pháp quản lý, sử dụng trên đất nông nghiệp có thể dẫn đến tăng lượng nitơ sẵn có trong đất và dẫn đến phát thải oxit nitơ (N2O). Việc sử dụng các loại phân bón (cả tổng hợp và hữu cơ), trồng cây cố định đạm, tưới tiêu trên đất có nhiều chất hữu cơ cũng góp phần phát thải N2O. Phương thức quản lý đất nông nghiệp được coi là nguyên nhân gây mức phát thải chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng phát thải khí nhà kính từ ngành Nông nghiệp (tỷ lệ này ở Mỹ là trên 50%). Vật nuôi, đặc biệt là động vật nhai lại như gia súc, sản sinh ra khí mê-tan (CH4) như một phần của quá trình tiêu hóa bình thường của chúng. Quá trình này được gọi là quá trình lên men trong ruột và có mức thải lớn, có thể lên tới hơn 1/4 lượng khí thải nhà kính từ ngành Nông nghiệp. Các nguồn phát thải nông nghiệp còn bao gồm CO2 từ việc bón vôi và phân đạm, CH4 từ trồng lúa và đốt phụ phẩm cây trồng.

Những năm gần đây, các nhà khoa học còn cho thấy, ngoài phát thải chất KNK tồn lưu lâu như CO2, việc đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng còn phát thải một số chất tác động đến BĐKH có vòng đời ngắn hơn, trong đó có BC. Đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng rất phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước thuộc vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Việt Nam,… và được coi là cách xử lý rơm rạ rất hiệu quả như tiêu diệt côn trùng có hại, tạo chất dinh dưỡng cho đất. Nhưng nhiều nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy đốt rơm rạ ngoài đồng có những tác động có hại, phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí (bụi, CO chẳng hạn) và chất tác động đến BĐKH, điển hình là CO2 và BC. Một nghiên cứu từ nước ngoài cho thấy: là thành phần chính của bồ hóng, carbon đen có thể hấp thụ năng lượng mặt trời gấp rất nhiều lần so với CO2. Nếu lượng năng lượng được lưu trữ trong khí quyển được đo bằng watt trên mét vuông bề mặt Trái đất thì một nghiên cứu năm 2013 đã ước tính tác động của BC là 1,1 watt trên mét vuông mỗi năm, chỉ đứng sau CO2, loại khí gây ra 1,56 watt trên mét vuông. Nói cách khác, BC là tác nhân lớn thứ hai gây ra biến đổi khí hậu sau CO2. Nhưng không giống như CO2, có thể tồn tại trong khí quyển hàng trăm đến hàng nghìn năm, BC dưới dạng hạt chỉ tồn tại trong khí quyển từ vài ngày đến vài tuần trước khi rơi xuống mặt đất theo mưa hoặc tuyết.

Trong giai đoạn từ 2010 đến nay (2023) Khoa Môi trường kết hợp với một số đơn vị khác đã tiến hành nhiều nghiên cứu liên qua tới phát thải BC và bụi PM2,5 từ đốt rơm rạ ngoài trời. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đốt rơm rạ trở nên rất phổ biến từ năm 2010 trở lại đây và lượng phát thải PM2,5 và BC cũng rất lớn. Ở Hà Nội vào mùa đốt rơm rạ, có những ngày nội thành Hà Nội khá ngột ngạt với mùi khét rõ rệt và bằng thiết bị có độ chính xác cao, đã đo được nồng độ BC của một số ngày ở mức rất cao, tới trên 20 µg/m3. Mới đây báo Tiền Phong điện tử ngày 14/7/2023 đăng bài cho thấy, theo Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Việt Nam có khoảng 47 triệu tấn rơm rạ mỗi năm nhưng mới chỉ hơn 20% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây,… phần lớn còn lại chủ yếu là đốt hoặc vùi vào ruộng. Báo này cũng trích phát biểu của Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) (trong sự kiện trình diễn đồng ruộng về công nghệ thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững ở Hậu Giang) cho biết, phụ phẩm nông nghiệp là một tài nguyên cần phải phát huy để nâng cao giá trị, giúp bà con nâng cao thu nhập. Hiện nay, sản xuất lúa Việt Nam đạt khoảng 42 triệu tấn/năm, tương đương lượng rơm rạ đưa ra môi trường trên 40 triệu tấn, trong đó, vùng ĐBSCL chiếm hơn một nửa, lượng rơm rạ rất lớn này cần phải tạo ra giá trị tăng thêm ngoài hạt gạo. Như vậy nếu đem đốt thì sẽ phát thải lượng lớn bụi, các chất khí ô nhiễm và chất gây BĐKH như CO2 và BC. Theo nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới tài trợ, chỉ tính riêng ở Hà Nội, lượng phát thải PM2,5 từ đốt rơm rạ năm 2015 vào khoảng 8.000 tấn, chiếm 26% tổng phát thải. Năm 2019 mức phát thải này có giảm do Hà Nội chỉ đạo quyết liệt việc cấm đốt rơm rạ ngoài đồng.

Vì có nhiều tác động tiêu cực diễn ra do đốt rơm rạ, cả gây suy giảm chất lượng không khí và gây BĐKH như vậy nên đã có nhiều giải pháp được nghiên cứu để giảm thiểu. Một dự án do quốc tế tài trợ đã được tiến hành ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội đã tổng quan được một số giải pháp chính như giải pháp hành chính (cấm), giải pháp công nghệ như chế biến thành phân bón hữu cơ biochar, chế biến thành thỏi than hoa, tạo viên nén nhiên liệu hay sử dụng ủ phân chuồng, trồng nấm,.v,v. Trong dự án của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, viên nén nhiên liệu đã được chế biến thành công từ rơm rạ, được thử nghiệm đốt bằng một số loại bếp sử dụng trong hộ gia đình, trong đó có bếp cải tiến do một tổ chức ở Mỹ sáng chế, cho hiệu quả khá cao. Một dự án khác của Trường đã tính toán thử nghiệm sử dụng rơm rạ làm nhiên liệu cho nhà máy điện nhưng cần có nghiên cứu cụ thể hơn về cách thu gom, chế biến lượng rơm rạ lớn mới đủ cung cấp cho loại nhiệt điện này. Như vậy, nếu biết cách sử dụng, rơm rạ sẽ là loại tài nguyên có giá trị và đó cũng là những đề xuất của Bộ NN&PTNT: “làm việc với các tỉnh ĐBSCL để sớm trình Chính phủ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải" như Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu. Cục Trồng trọt đã ban hành “Quy trình quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở ĐBSCL”. Nội dung quy trình bao gồm các hướng dẫn kỹ thuật quản lý rơm rạ trình bày ở Hình 1 (trừ các kỹ thuật ứng dụng cho các mục đích sản xuất năng lượng sinh khối, than sinh học, silica, ván ép, giấy, hàng thủ công mỹ nghệ, v.v.). 

Hình 1. Tóm lược quy trình kỹ thuật thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ theo hướng tuần hoàn và phát thải thấp.

Như vậy chủ trương của Bộ NN&PTNT là phát triển ngành nông nghiệp, cụ thể ở đây là trồng lúa theo hướng kinh tế tuần hoàn, coi phụ phẩm nông nghiệp là tài nguyên có thể sử dụng cho chính ngành mình và nhiều ngành khác. Thật ra cha ông ta đã sớm có mô hình kinh tế, ngày xưa gọi là mô hình khép kín, mô hình tự cung tự cấp và nay gọi là mô hình tuần hoàn, đó là mô hình Vườn-Ao-Chuồng (VAC) hay Ruông-Vườn-Ao-Chuồng (RVAC) với chất thải chăn nuôi để bón ruộng, chất thải từ ruộng vườn (rau già, rơm rạ) thành thức ăn cho cá, cho gia súc, lót chuồng trại, làm nhà, làm nhiên liệu,… nước từ ao dung để tưới cây, bùn ao làm phân bón,…  Tuy nhiên, bây giờ quy mô phát triển lớn hơn, phải nghiên cứu những cách thức liên kết giữa các ngành thành phần, giữa ngành nông nghiệp với các ngành khác để có mô hình quy mô lớn hơn, có thể vận hành tốt trong kinh tế thị trường.

Thay lời kết

Quả thực, sau thời gia khoảng gần 40 năm thực hiện Đổi mới, Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục trong phát triển nông nghiệp, nông thôn để không ngừng nâng cao sản lượng lương thực, thực phẩm và giảm lao động cực nhọc cho nông dân. Việt Nam đã đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia và có dư thừa gạo xuất khẩu nhưng trước những biến đổi khó lường của thiên tai, địch họa, dịch bệnh/sâu hại vẫn phải cảnh giác để có đủ dự trữ lương thực cho nhân dân khi rủi ro xảy đến. 

Với những chính sách đúng đắn, với sự tham gia của nhiều “nhà” mà chủ đạo là nhà nông, với những tiến bộ khoa học thời đại công nghiệp 4.0, với mô hình kinh tế tiên tiến đã và đang được áp dụng chúng ta có thể hy vọng: vẫn đảm bảo an ninh lương thực ở mức no, đủ, ngon, dinh dưỡng tốt cho nhân dân, góp phần nâng thể trạng con người Việt Nam to hơn, cao hơn, khỏe hơn trong tương lai. Mặt khác hạn chế được những tác động tiêu cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt giảm phát thái carbon vào môi trường, giảm tác nhân gây BĐKH.

Muốn vậy, mỗi người chúng ta, trên cương vị của mình phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến cuộc sống người nông dân trong thời gian tới.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam