Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tính đến ngày 25/8, sản lượng điện phát lũy kế của 20 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp (tổng công suất 1.171,72 MW) đã hoàn thành thủ tục COD đạt hơn 357 triệu kWh. Trong đó riêng ngày 24/8 đạt 7,6 triệu kWh, chiếm khoảng 0,8% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Số lượng dự án đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện vẫn là 79/85 dự án, với tổng công suất 4.449,8 MW. Trong đó, 67 dự án với tổng công suất 3.849,4 MW đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 của Bộ Công Thương.
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 61/67 dự án. Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,4 MW.
Tình hình đàm phán giá điện của các dự án năng lượng tái tạo.
23 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Hiện, còn 6 dự án với tổng công suất 284,7 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán. Một số dự án vướng mắc ở các quy định liên quan đến quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, giấy phép hoạt động điện lực...
Các quy trình, thủ tục liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đều đã được EVN ban hành công khai, minh bạch và gửi đến các chủ đầu tư. Việc này nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện nhanh nhất có thể theo đúng quy định của pháp luật.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới
Về tình hình cung ứng điện, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện về việc tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới.
Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu EVN, PVN, TKV tổ chức thực hiện tốt công tác chuẩn bị sản xuất, dự báo phụ tải điện, dự báo thủy văn đối với các hồ thủy điện; bảo đảm nhiên liệu than, khí, dầu cho phát điện; khắc phục nhanh nhất các sự cố nguồn và lưới điện. Tập trung đầu tư phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm, cấp bách.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tuyệt đối không để thiếu điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9.
Đồng thời, Bộ này cần chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư thuộc dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch, Quảng Bình đến Phố Nối, Hưng Yên theo đúng quy định để có thể khởi công xây dựng các dự án thành phần sớm nhất có thể, phấn đấu khởi công vào tháng 9 này.
Bộ cũng cần khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu và cơ chế mua bán điện trực tiếp và báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/9.
Với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo, đôn đốc, giám sát EVN, TKV, PVN triển khai nhanh nhất dự án đầu tư xây dựng công trình điện.
Cơ quan này cũng cần chỉ đạo EVN, TKV, PVN tăng cường công tác phối hợp, tổ chức thực hiện tốt hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, cung cấp khí, khắc phục triệt để tình trạng cắt khúc, lợi ích cục bộ giữa đơn vị, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng điện.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu cần chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Văn bản số 355 về việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về Bộ Công Thương.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6805804329479265/