·
2 năm trước
 3032

Tình trạng đốt rơm rạ vẫn xảy ra với quy mô nhỏ lẻ dù đã ra Chỉ thị số 15, vậy nguyên nhân là gì?

Mặc dù đã có Chỉ thị số 15 về tăng cường biện pháp quản lý đối với việc đốt rơm rạ, thế nhưng việc đốt rơm rạ vẫn xảy ra với quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội. Vậy nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra là gì?

Từ ngày 9-11/6, Hà Nội đã lập tổ công tác liên ngành, gồm Sở TN&MT Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an TP.Hà Nội để kiểm tra đột xuất tình trạng đốt rơm, rạ sau thu hoạch tại một số huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn xảy ra với quy mô nhỏ lẻ và UBND các xã chưa có biện pháp xử lý.

Tại huyện Ứng Hòa, vụ Xuân năm 2021, tổng số rơm rạ phát sinh sau thu hoạch là 45.980 tấn đã được xử lý bằng các phương pháp như thu gom làm thức ăn gia súc, trồng nấm, tận dụng trồng rau màu chiếm 31%; biện pháp khác (để rơm rạ tại ruộng tự phân hủy…) 58%; đốt còn 11%.

Theo bà Vũ Thị Oanh - Phụ trách Phòng TN&MT huyện Ứng Hòa, UBND huyện đã nghiêm túc phê bình trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã vẫn để tái diễn tình trạng đốt rơm rạ, đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các xã khẩn trương kiểm tra, xử lý và đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm.

đốt rơm rạ

Tình trạng đốt rơm rạ vẫn tái diễn tại các huyện ngoại thành Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Vậy lý do mà người dân Ứng Hòa vẫn đốt rơm rạ là gì? Bà Oanh cho hay diện tích các thửa ruộng còn nhỏ, khi thu hoạch sử dụng cơ giới nên việc thu gom rơm, rạ sau thu hoạch rất khó khăn. Người dân ít quan tâm đến việc sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh để cải tạo đất. Mặc dù UBND huyện đã hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân để mua chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, nhưng sau khi hết hỗ trợ thì người dân không tiếp tục chi trả nguồn kinh phí để mua, trong khi việc phát triển các ngành chăn nuôi để tận dụng rơm rạ làm thức ăn gia súc hoặc trồng nấm còn ít.

Còn tại huyện Thanh Oai, với tổng diện tích gieo trồng lúa mùa vụ trên địa bàn huyện khá lớn 6.470 ha, tương đương 38.820 tấn rơm, rạ thải bỏ. Nhiều năm trở lại đây hiện tượng đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng có chiều hướng giảm đáng kể chỉ còn khoảng 1%. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ huyện Ứng Hòa, mà các huyện khác trên địa bàn thành phố cũng đang gặp khó khăn khi thực hiện Chỉ thị số 15.

Theo Phó phòng TN&MT huyện Thanh Oai Dư Văn Dũng, trên địa bàn huyện vẫn còn một số xã tái diễn tình trạng đốt rơm rạ nhỏ lẻ, bên cạnh nguyên nhân do người dân không hợp tác trong việc hoàn đối ứng hoặc tự mua chế phẩm sinh học, giá thành chế phẩm xử lý cao thì một trong những nguyên nhân phải kể đến là chế tài xử phạt vi phạm hành chính về đốt rơm rạ tại ruộng chưa rõ ràng, điều này gây khó khăn cho địa phương trong việc tiến hành xử lý hành vi trên.

Nguồn: