Minh Anh ·
33 tuần trước
 8936

TP.HCM cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng

Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Bristol và Đại học Kinh tế TP.HCM, TP.HCM cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng, đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty của những ngành chủ chốt.

Ngày 6/9 vừa qua, tại TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”. Hội thảo diễn ra trước thềm Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không” do UBND TP.HCM tổ chức diễn ra từ ngày 13 - 17/9/2023.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thành ủy TP.HCM).

Tại hội thảo, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, nhận thức của TP.HCM, đó là TP cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho năng lực kinh tế TP, đóng góp cho kinh tế cả nước.

Với những vấn đề nội tại hiện TP đang đối mặt là giảm dần động lực tăng trưởng, biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống, an ninh năng lượng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Nếu không chuyển đổi xanh, không có chiến lược bài bản, chính sách cụ thể lâu dài thì chắc chắn kinh tế TP.HCM sẽ không có năng lực cạnh tranh mới, không thể đóng góp tốt cho kinh tế cả nước.

Cùng với nhận thức trên, TP.HCM xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận lãnh những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.

“Thời gian qua, TP.HCM đánh giá trong định hướng chung, khung pháp lý chung của cả nước về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững chưa nhiều. Do đó, TP.HCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ chính thức công bố vào Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 diễn ra vào tháng 9 tới”, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay.

Theo nhóm nghiên cứu Đại học Bristol (Anh) và Đại học Kinh tế TP.HCM, đối với thị trường carbon, sự chú ý đang đổ dồn vào Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng chính thức từ năm 2026 và thí điểm từ tháng 10 năm nay.

Nghiên cứu gần đây cho thấy, với việc thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, xuất khẩu của các công ty nhôm, thép có thể giảm đến 4%, kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,4%-0,8%. Trong khi đó, nếu Việt Nam có quy định về định giá carbon, một phần tiền thuế doanh nghiệp xuất khẩu đáng lẽ phải trả cho EU sẽ được giữ lại ở Việt Nam.

“Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội từ thị trường carbon tự nguyện trong nước và quốc tế có giá trị khoảng 0,7-1,4 ngàn tỷ USD (theo tính toán của Ngân hàng Thế giới)”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

TP.HCM cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng.

Cũng tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của Đại học Bristol và Đại học Kinh tế TP.HCM đưa ra khuyến nghị, TP.HCM cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng, đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty trong các ngành quan trọng. Điều này rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể tính toán về con đường giảm phát thải trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần lồng ghép các mục tiêu giảm phát thải cụ thể vào tất cả các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới, đặc biệt các dự án cơ sở hạ tầng, cùng với đó là ưu tiên sử dụng các công nghệ sạch, ít phát thải. Với vai trò trung tâm tài chính, TP.HCM cần xây dựng các ưu đãi chính sách làm giảm rào cản gia nhập cho tín dụng xanh, thông qua các trợ cấp theo hướng đền bù rủi ro và bảo đảm tài trợ, cũng như hỗ trợ chi phí giao dịch liên quan đến phát hành trái phiếu xanh cho các tổ chức phát hành.

Đặc biệt, TP.HCM cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực. TP.HCM nên coi đây là một nhiệm vụ quan trọng cho một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới: xanh hóa và số hóa…

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải carbon cao nhất ở châu Á.

Đây là một thách thức khi Chính phủ Việt Nam cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp quốc lần thứ 26 (COP26) là Việt Nam giảm 30% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

WB ước tính, Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm. Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và thêm 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế.