Cụ thể, nhìn vào dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX và SSC có thể thấy, tính tới ngày 03/05/2024, có 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong tháng 4/2024 với tổng giá trị 12.100 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 36.088 tỷ đồng, với 06 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng (chiếm 24,6% tổng giá trị phát hành) và 30 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 27.210 tỷ đồng (chiếm 75,4% tổng số).
Trong tháng, các doanh nghiệp đã mua lại 21.500 tỷ đồng trái phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã mua lại trước hạn đạt 37.054 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2023 giảm 29,7%. Nhóm ngành dẫn đầu là ngân hàng, chiếm 43,8% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng khoảng 16.213 tỷ đồng. Phải lưu ý rằng, từ nay đến cuối năm, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 180.457 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Trong đó, giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với khoảng 73.736 tỷ đồng (chiếm 41%), nhóm Ngân hàng theo sau với gần 38.097 tỷ đồng (chiếm 21%), …
Theo báo cáo của FiinRatings, bên cạnh nhóm ngành bất động sản vẫn chiếm ưu thế, các ngân hàng cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu. Đây là ngành này chiếm lần lượt 56% và 43% tổng giá trị phát hành trong tháng 4.
Trong đó, Techcombank phát hành 1 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 3.000 tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,7%/năm. MSB phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2.800 tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,9%/năm. MBBank phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2.000 tỷ đồng, đều có kỳ hạn trên 5 năm và lãi suất từ 6,2-6,8%/năm.
FiinRatings nhận định, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm dư thừa, thể hiện ở việc trong tháng 4 lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhảy vọt lên mức trên 4%.
Đây là kết quả của việc thời gian vừa qua NHNN liên tục hút thanh khoản qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO), đồng thời huy động tiền gửi từ dân cư của các tổ chức tín dụng cũng giảm tốc trong quý I, ghi nhận mức giảm 0,76% so với cuối năm 2023 ( theo số liệu của Tổng cục thống kê).
Các nhà băng tăng cường huy động qua kênh trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, khi quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết chặt, cùng với đó để cân đối nguồn vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng hồi phục trở lại trong năm nay.
Báo cáo cũng cho biết, hoạt động mua lại trong tháng 4 chủ yếu đến từ nhóm ngành tổ chức tín dụng. Tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước đáo hạn đạt 10.400 tỷ đồng, tăng 7,2% so với tháng 3 và tương đương 70,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, trái phiếu ngân hàng chiếm đến 95%, MBBank và Techcombank là các bên đang tăng cường thực hiện hoạt động này. Đây cũng chính là các ngân hàng đã phát hành lượng lớn trái phiếu trong tháng 4.
Về kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm nay, VBMA cho biết, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank; mã chứng khoán: HDB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 năm 2024, được chia thành đợt 1 và đợt 2, trong đó tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV; mã chứng khoán: BID) cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 trong năm 2024, trong đó tổng giá trị tối đa 8.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu “ba không”: không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm.
Được biết, Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico KSB; mã chứng khoán: KSB) cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng với tổng giá trị tối đa 300 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7777342092325479